Một quan tòa của tòa sơ thẩm tại bang New York ngày 29/2 ra phán quyết nói rằng cảnh sát Mỹ đã vượt quá quyền hạn khi yêu cầu các chuyên gia của tập đoàn Apple phá khóa chiếc điện thoại iPhone thuộc về một nghi phạm buôn bán ma túy.
Phán quyết này có thể mở ra diễn biến mới trong cuộc chiến pháp lý tương tự giữa công ty công nghệ này và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang gây ồn ào thời gian gần đây.
Theo quan tòa James Orenstein, cơ quan hành pháp không có thẩm quyền để đưa ra yêu cầu như vậy với Apple, căn cứ vào thực tế trước đó Quốc hội Mỹ từng xem xét đưa vào luật một điều khoản tương tự, song đã không thông qua.
Ông Orenstein từ chối phát lệnh yêu cầu Apple tuân thủ đề nghị của giới chức Mỹ, khẳng định điều này là vi phạm hiến pháp.
Phát biểu với báo giới ngay sau phán quyết của tòa án, một đại diện của Apple khẳng định trường hợp này không khác gì một vụ tranh cãi khác với FBI, liên quan tới hoạt động "bẻ khóa" điện thoại của một nghi can khủng bố.
Phán quyết trên được đưa ra trong bối cảnh Apple đang đối mặt với nhiều sức ép, sau khi từ chối hỗ trợ các cơ quan điều tra đẻ bẻ khóa điện thoại iPhone của một trong hai thủ phạm tham gia vụ tấn công tại thành phố San Bernardino, bang California.
FBI đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên, sau nhiều nỗ lực phá bảo mật không thành. Tuy nhiên hãng này cho rằng việc làm này quá mạo hiểm và ảnh hưởng đến uy tín của công ty.
Vụ việc đã thổi bùng lên hai ý kiến trái chiều trong dư luận Mỹ. Một khảo sát do hãng nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 51% người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple mở khóa chiếc iPhone, trong khi tỷ lệ ủng hộ “gã khổng lồ” công nghệ này là 39%.
Nhiều hãng công nghệ Mỹ - gồm Google, Facebook và Twitter - đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI./.