Apple và các hãng công nghệ lên tiếng bênh vực cho Ireland

Apple và các hãng công nghệ đã lên tiếng bênh vực Ireland, vốn được ví như “Thung lũng Silicon” của châu Âu, đang vướng cáo buộc của EC về ưu đãi thuế cho Apple.
Apple và các hãng công nghệ lên tiếng bênh vực cho Ireland ảnh 1Trụ sở Apple ở Ireland. (Nguồn: todaysiphone.com)

Tại Hội nghị thượng đỉnh Web vừa diễn ra tại thủ đô Dublin của Ireland, các doanh nghiệp về công nghệ đã lên tiếng bênh vực Ireland, trong bối cảnh quốc gia này đang là trung tâm của các chỉ trích gay gắt từ các quốc gia châu Âu khác về các chính sách thuế, và cho rắng sức hút của Ireland không chỉ nằm ở mức thuế thấp, mà còn ở rất nhiều yếu tố khác như con người, văn hóa, trình độ.

Ireland, vốn được ví như “Thung lũng Silicon” của châu Âu đang vướng vào cáo buộc của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến các thỏa thuận về thuế của quốc gia này đối với hãng công nghệ Apple.

Theo EC, việc “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ chỉ phải trả 2% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi mức thuế quy định là 12,5%, là không công bằng, và nó giống như sự giúp đỡ bất hợp pháp của Chính phủ Ireland đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thuế suất thấp không phải “điểm quyến rũ” duy nhất của Ireland. Kylan Lundeen, người đứng đầu Bộ phận cộng tác tại Qualtrics, cho biết, mặc dù mục đích ban đầu của hãng là “tối đa hóa lợi ích” trong việc mở chi nhánh mới tại Ireland, nhưng nguồn nhân lực với trình độ cao, văn hóa, con người mới là nhân tố chính khiến Qualtrics chọn quốc gia này.

Cơ quan Phát triển Ireland (IDA) đã mở rộng cách tiếp cận trong việc thu thuế của mình trong những năm gần đây để thu hút các công ty nhỏ hơn cũng như để đối phó với sự cạnh tranh từ các quốc gia châu Âu như Anh quốc.

Bà Mary McEvoy, Phó Chủ tịch Bộ phận các doanh nghiệp mới nổi thuộc IDA, cho biết đối với những doanh nghiệp nhỏ, các quy định về thuế là không quá quan trọng do các công ty này, “đặc biệt là các công ty về công nghệ mới thành lập, thậm chí còn không có doanh thu để phải lo về thuế.”

Tại hội nghị Web, bà McEnvoy đã nói với hãng tin AFP rằng những cái tên quen thuộc tại Ireland hiện nay như Facebook hoặc Apple đã từng là những công ty nhỏ khi mới đến với Ireland vào những năm 1980.

Trong bốn năm qua, IDA đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp mới nổi đến với Ireland, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế “càn quét” quốc gia này khiến Dublin phải cầu đến gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào cuối năm 2010.

Hội nghị thượng đỉnh Web lần thứ năm diễn ra trong các ngày 4-6/11 tức chỉ vài tuần sau khi Dublin “chào thua” trước sức ép quốc tế và chấp nhận lấp đầy những lỗ hổng trong các chính sách về thuế của Ireland, vốn rất được các công ty công nghệ “yêu thích” vì sẽ giúp các công ty này giảm thiểu số thuế phải nộp xuống gần mức 0% trong một số trường hợp.

Cùng với quyết định sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Dublin cũng tuyên bố sẽ “nối gót” nước Anh để áp dụng chính sách miễn giảm thuế đánh vào quyền sở hữu trí tuệ. Thuế doanh nghiệp của Ireland ở mức 12,5% - mặc dù không phải là mức thấp nhất tại châu Âu nhưng vẫn “nhẹ nhõm” hơn nhiều so với Anh hay Đức.

Mark Roden, Giám đốc Điều hành của Ding, một nhà cung cấp điện thoại di động hàng đầu thế giới nhận định: "Ireland là một điểm đến tốt của các doanh nghiệp mới thành lập." Từ khi thành lập tại thủ đô Dublin vào năm 2006 với chỉ hai nhân viên, Ding đã phát triển và lớn mạnh với gần 200 nhân viên với các văn phòng đại diện trải dài từ Miami đến Dubai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục