Ngày 28/1, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc tái cơ cấu khoản nợ 44,5 tỷ USD, qua đó giúp cho Argentina có thêm thời gian thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.
Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn lời ông Fernandez cho biết điểm mới trong thỏa thuận vừa đạt được với IMF nằm ở thời hạn thanh toán, theo đó phía Argentina sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời gian từ năm 2026 đến 2032, trong khi theo cam kết trong gói tín dụng dự phòng ký năm 2018 thì các khoản đáo hạn mà Argentina phải thanh toán chỉ gói gọn từ 2022 đến 2024.
Chương trình mới sẽ có 10 lần xem xét đánh giá và thời hạn 2,5 năm liên quan tới các chính sách kinh tế. Thời gian đáo hạn sẽ bắt đầu sau 4 năm kể từ lần giải ngân đầu tiên và kết thúc sau 10 năm.
Hiện, phía Argentina đang tiếp tục làm việc với IMF về nội dung của biên bản ghi nhớ và có thể sẽ kéo dài thêm vài tuần nữa.
Thỏa thuận này sẽ phải được Quốc hội Argentina, cũng như ban lãnh đạo IMF thông qua trước khi có hiệu lực.
[IMF và Argentina thảo luận về đàm phán tái cơ cấu khoản nợ 45 tỷ USD]
Tổng thống Argentina khẳng định thỏa thuận này sẽ hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước. Ông hy vong chi tiêu thực thế sẽ không giảm, trong khi các khoản đầu tư vào các chương trình công cộng sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mà Argentina đã đạt được trong các chính sách quan trọng để đối phó với những thách thức của lạm phát và tăng trưởng mang tính bền vững và bao trùm hơn.
Argentina cam kết sẽ giảm thâm hụt tài khóa xuống 0,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024, cũng như đặt mục tiêu về mức thâm hụt này là 2,5% cho năm 2022 và 1,9% cho năm 2023.
Theo thống kê chính thức, năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% thì thâm hụt tài khóa của Argentina là 3%.
Chính phủ của Tổng thống Fernandez chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với IMF vào tháng 8/2020 và trong suốt quá trình này phía Argentina luôn nhất quán với quan điểm cho rằng để giảm thâm hụt ngân sách thì cần phải dựa vào các chính sách tăng trưởng kinh tế chứ không phải giảm chi tiêu công./.