Ngân hàng trung ương Argentina (BCRA) thông báo từ ngày 6/4, hoạt động của chi nhánh Citibank tại thủ đô Buenos Aires sẽ bị giám sát nhằm đảm bảo ngân hàng này tuân thủ luật pháp nước sở tại.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, việc giám sát Citibank bao gồm quản lý mọi hoạt động của hệ thống ngân hàng Citibank tại Argentina thông qua kết nối mạng. Với biện pháp trên, Chính phủ Argentina sẽ đảm bảo Citibank hoàn thành vai trò ủy thác tín dụng đối với các chủ nợ theo luật pháp của quốc gia Nam Mỹ này.
Các cơ quan chức năng Argentina lo ngại việc Citibank không thanh toán tín dụng cho các chủ đầu tư sau khi ký thỏa thuận với quỹ NML Capital của Mỹ, một trong những quỹ đầu cơ đang trong quá trình kiện tụng Chính phủ Argentina liên quan tới việc trả nợ.
Theo thỏa thuận này, ngân hàng Citibank chỉ thực hiện các khoản thanh toán mà Chính phủ Argentina ủy thác cho các trái chủ tới ngày 30/6 tới. Điều này đồng nghĩa với việc Citibank sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò là bên ủy thác tại Argentina sau thời điểm đó.
Việc làm trên của Citibank rất nghiêm trọng và gây nguy hiểm đối với những trái chủ đã đàm phán xong về việc tái cơ cấu nợ bởi ngân hàng này không hoàn tất việc thanh toán như đã cam kết. Đây là hành động có chủ định và đơn phương từ phía Citibank.
Ngân hàng này cũng không tham vấn trước với các cơ quan chức năng Argentina về khả năng sẽ từ bỏ vai trò là bên ủy thác thanh toán nợ, khiến các trái chủ lo lắng.
Theo Chủ tịch của BCRA Alejandro Vanoli, ngày 6/4, một nhóm chuyên gia sẽ tiến hành thanh tra toàn diện tại trụ sở chính của Citibank ở Buenos Aires. Tuy nhiên, ông Vanoli cũng nhấn mạnh sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với hoạt động của ngân hàng này.
Ông cho biết tuần trước, BCRA cũng đã rút giấy phép hoạt động của Giám đốc điều hành Citibank Gabriel Ribisich ở Argentina.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban tài chính Hạ viện Argentina Roberto Feletti đã đánh giá tích cực quyết định của BCRA và cho rằng cần giám sát vai trò “đen tối” của các ngân hàng nước ngoài ở nước này. Ông chỉ trích việc Citibank không muốn thanh toán cho các chủ nợ vì điều này vi phạm pháp luật.
Ông Feletti cũng đứng đầu Ủy ban lưỡng viện Quốc hội đang tiến hành điều tra hàng nghìn tài khoản bí mật của các tổ chức và cá nhân Argentina gửi tiền thông qua ngân hàng HSBC chi nhánh Thụy Sĩ để trốn thuế.
Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD hồi cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Để có thể tái cơ cấu nợ, Buenos Aires đã thuyết phục được những chủ nợ của 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần giá trị tiền mặt của trái phiếu.
Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina lên tòa án New York./.