Argentina trong cuộc đấu không khoan nhượng với “quỹ kền kền”

Argentina trước sau vẫn dành ưu tiên cho các chủ nợ đã tham gia tái cơ cấu nợ, trong lúc kiên quyết không nhượng bộ và tìm kiếm các biện pháp pháp lý để đối phó với các “quỹ kền kền.”
Một bức tường ở Buenos Aires, Argentina, dán đầy ápphích có hình ảnh của Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa. (Nguồn: AP)

Sau vụ vỡ nợ được cho là lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới vào năm 2001, Argentina đã tiến hành hai lần tái cơ cấu nợ và từ đó đến nay đã nỗ lực thanh toán cho đa số chủ nợ chấp nhận những thiệt hại lớn, tham gia các đợt tái cơ cấu nợ này.

Tuy vậy, đối với nước này, sự phiền toái đến từ số ít chủ nợ không đồng ý hoán đổi nợ mà đòi được thanh toán trái phiếu theo mệnh giá. Nhưng Argentina trước sau vẫn dành ưu tiên cho các chủ nợ đã tham gia tái cơ cấu nợ, trong lúc kiên quyết không nhượng bộ và tìm kiếm các biện pháp pháp lý để đối phó với các “quỹ kền kền.”

Vụ vỡ nợ kỳ lạ

Argentina vỡ nợ tổng cộng tám lần trong lịch sử 200 năm qua. Nhưng lần vỡ nợ gần đây nhất vào cuối tháng Bảy năm ngoái chắc chắn là kỳ lạ nhất.

Argentina không vỡ nợ vì không trả được nợ mà vì một thẩm phán của Tòa án liên bang Mỹ tại New York ngăn cản việc thanh toán. Argentina đã không thanh toán đúng hạn khoản lãi trái phiếu trị giá 539 triệu USD cho số trái chủ tham gia hai chương trình tái cơ cấu nợ của Chính phủ trong năm 2005 và 2010.

Số tiền này bị Tòa án New York “phong tỏa” vì Argentina không tuân thủ phán quyết của Tòa án này vào năm 2012 rằng Argentina phải thanh toán toàn bộ khoản nợ 1,3 tỷ USD, cộng tiền lãi, cho hai quỹ đầu tư của Mỹ là NML Capital và Aurelius Capital Management. Hai quỹ đầu tư này, còn gọi là hai “quỹ kền kền," là lớn nhất trong số các chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ kể trên để đòi được thanh toán 100% giá trị khoản nợ cộng lãi.

Sau vụ vỡ nợ 100 tỷ USD vào năm 2001, Argentina đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm của họ khi đưa ra đề nghị vào năm 2005 và 2010 với những người nắm giữ số nợ đã không được hoàn trả, khi đó vẫn đang được giao dịch với giá trị rất thấp, về trái phiếu hoán đổi, với số tiền được trả là 35 cent cho mỗi USD giá trị trái phiếu gốc. Đó là đề nghị không thể từ chối, bởi nếu nhà đầu tư không chấp nhận, họ sẽ trắng tay và họ cũng không thể buộc Argentina trả thêm.

Và đã có 92,4% số chủ nợ cũ chấp nhận vụ hoán đổi này. Số 7,6% còn lại thì sao? Hầu hết trong số này là các quỹ đầu cơ đã mua lại nợ trước đây của Argentina với giá rẻ mạt và cho rằng có thể kiện để có một thỏa thuận tốt hơn. Họ lập luận rằng điều khoản pari passu buộc Argentina phải trả cho họ đúng theo mệnh giá trái phiếu nếu thanh toán toàn bộ số trái phiếu hoán đổi, có nghĩa là “đối xử công bằng.”

Điều khoản pari passu chỉ nói rằng người đi vay phải đối xử với tất cả các chủ nợ như nhau, không thể trả cho một số người mà không trả cho những người khác.

Cuối cùng, các quỹ đầu tư đã có thể tìm được chỗ bấu víu để buộc Argentina phải đáp ứng yêu cầu của mình: một thẩm phán ở New York.

Năm 2012, thẩm phán Thomas Griesa ra phán quyết đứng về phía các quỹ đầu tư, nói rằng Argentina không thể thanh toán trái phiếu hoán đổi mà không trả số nợ không được tái cơ cấu.

Chưa hết, ông Griesa cũng tuyên bố nếu Argentina không bắt đầu thanh toán cho các quỹ đầu cơ, bất kỳ thiết chế tài chính nào giúp nước này thanh toán trái phiếu hoán đổi là không tuân thủ phán quyết, hay nói cách khác ông sẽ không cho phép Argentina thanh toán cho bất kỳ chủ nợ nào. Điều này đặt Argentina trước lựa chọn hoặc trả cho các quỹ đầu cơ, hoặc vỡ nợ trái phiếu hoán đổi, mặc dù có thể và sẵn sàng thanh toán cho họ.

Và Argentina đã chọn vỡ nợ. Có rất nhiều lý do cho sự lựa chọn đó. Nước này nợ tất cả các chủ nợ không tham gia tái cơ cấu khoảng 15 tỷ USD, và việc trả số nợ này có thể làm phát sinh hàng trăm nghĩa vụ mới. Đó là bởi trái phiếu hoán đổi gắn với điều khoản RUFO (tức là các quyền dựa trên các đề nghị trong tương lai), theo đó các chủ nợ nắm trái phiếu này sẽ nhận được bất cứ điều gì mà các chủ nợ không tham gia tái cơ cấu nhận được. Đó là tình huống mà các bên đều thất bại. Cả chủ nợ không tham gia tái cơ cấu nợ cùng người nắm trái phiếu hoán đổi đều không vui, bởi chẳng nhận được đồng tiền nào, còn Argentina cũng không vui bởi bị buộc vỡ nợ, dù không muốn.

Có hai cách để kết thúc câu chuyện này: một là thỏa thuận với chủ nợ không chấp nhận tái cơ cấu nợ và hai là thỏa thuận với chủ nợ đồng ý hoán đổi trái phiếu. Trong trường hợp thứ nhất, chủ nợ không tái cơ cấu nợ sẽ chấp nhận một hình thức thanh toán và chủ nợ đồng ý hoán đổi trái phiếu chấp nhận từ bỏ quyền RUFO.

Trong trường hợp thứ hai, chủ nợ không tái cơ cấu nợ sẽ không nhận được gì và những người nắm trái phiếu hoán đổi sẽ đồng ý hoán đổi một lần nữa để lấy trái phiếu phát hành riêng tại Argentina và khi đó, cánh tay của thẩm phán Griesa sẽ không thể vươn tới.

Và cuộc chiến giằng dai

Đầu tháng Sáu vừa qua, Tòa án New York một lần nữa lại ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Argentina phải thanh toán cho thêm cho 500 chủ nợ tổng số tiền 5,4 tỷ USD. Với hai phán quyết của Tòa án New York, số tiền nợ của Argentina đối với các quỹ đầu cơ lên tới 7 tỷ USD. Cũng như với phán quyết năm 2012, Chính phủ Argentina đã bác bỏ hoàn toàn phán quyết vô lý này của Tòa án New York.

Cuối năm ngoái, Chính phủ Argentina thông báo nước này sẽ trả trước các trái phiếu đến hạn thanh toán vào tháng 10/2015 với tổng trị giá 6,7 tỷ USD, nhằm chứng tỏ khả năng và quyết tâm trả nợ, đồng thời ngăn chặn các hành động đầu cơ nhằm vào nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này.

Ngày 18/7, Ngân hàng trung ương Argentina (BCRA) khẳng định bất chấp các phán quyết của Tòa án New York, Argentina sẽ tiếp tục thực thi cam kết trả nợ với các nhà đầu tư.

Trong thông báo gửi cơ quan tư pháp Mỹ, BCRA cũng nhấn mạnh sẽ không thực thi phán quyết của thẩm phán Griesa yêu cầu nước này trả nợ cho các “quỹ kền kền” cũng như các quyết định ngăn cản Chính phủ Argentina trả nợ cho 92,4% số chủ nợ đã đồng ý hoán đổi nợ.

Tuy nhiên, nỗ lực thanh toán nợ của Argentina thông qua ngân hàng Citibank, chi nhánh của Citigroup (Mỹ) tại Argentina, đã bị Tòa án New York cản trở. Ngân hàng Citibank, bên được ủy thác thanh toán các trái phiếu nợ tại Argentina, đã thực hiện hai đợt thanh toán trái phiếu hồi tháng 9 và tháng 12/2014 trong thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng từ tòa án.

Ngày 22/3, Citibank thông báo vào ngày 31/3, họ sẽ thực hiện nhiệm vụ thanh toán cho các trái chủ của các trái phiếu mà Chính phủ Argentina đã phát hành. Thẩm phán Griesa trước đó đã ra phán quyết không cho phép Citibank thanh toán cho các trái chủ của các trái phiếu Chính phủ Argentina, trừ phi các chủ nợ Mỹ cũng được hoàn trả số tiền mà họ đang yêu cầu. Trước phán quyết này, Citigroup đã để ngỏ khả năng chấm dứt hoàn toàn hoặc chuyển nhượng vai trò ủy thác cho một bên khác.

Ủy ban Chứng khoán quốc gia Argentina (CNV) đã đình chỉ tạm thời hoạt động thị trường vốn của ngân hàng Citibank. Thông cáo của CNV cho biết Citibank đã không tuân thủ luật pháp nước sở tại sau khi ký thỏa thuận với NML Capital, theo đó sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò là bên ủy thác tại Argentina sau tháng Sáu.

Theo CNV, việc làm của Citibank rất nghiêm trọng và gây nguy hiểm đối với các trái chủ đã tái cơ cấu nợ bởi ngân hàng này không hoàn tất việc thanh toán như đã cam kết theo luật Argentina. Ngân hàng này cũng không tham vấn trước với các cơ quan chức năng Argentina về khả năng sẽ từ bỏ vai trò là bên ủy thác thanh toán nợ, gây lo ngại cho các trái chủ.

Chính phủ Argentina cũng từng tuyên bố sẽ đưa vấn đề “quỹ kền kền” ra Liên hợp quốc nhằm thiết lập khuôn khổ ngăn chặn các quỹ đầu cơ phá hoại nền kinh tế các nước. Tổng thống Argentina Cristina Fernandez khẳng định sẽ theo đuổi việc thiết lập khung pháp chế đa phương để bảo vệ các thỏa thuận và tiến trình tái cơ cấu nợ của các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Hector Timerman thì nhấn mạnh hơn bao giờ hết, cần thiết lập một cơ chế pháp lý đa phương để có thể tái cơ cấu nợ một cách có hệ thống, hiệu quả và đảm bảo việc trả nợ đúng hạn, bởi các thỏa thuận giữa chủ nợ và các quốc gia sẽ không còn giá trị nếu các quỹ đầu cơ tiếp tục can thiệp một cách dễ dàng như những gì đang diễn ra ở Argentina.

Và trong khi bị "chặn cửa" tiếp cận thị trường vốn toàn cầu, Buenos Aires đã đi đường vòng bằng cách chào bán trực tiếp trái phiếu mà không qua cơ quan bảo lãnh phát hành.

Hồi tháng Tư vừa qua, Chính phủ Argentina đã phát hành trái phiếu Bonar 24 và thu về 1,4 tỷ USD, cao gần gấp ba lần so với dự kiến ban đầu là 500 triệu USD.

Bộ trưởng Kicillof nhận định: “Hoạt động này cho thấy không cần phải đem tương lai của Argentina làm vật thế chấp qua việc trả nợ cho các “quỹ kền kền” để có nguồn tài chính bằng đồng USD.” Ngoài ra, phản ứng của thị trường cũng phát đi một tín hiệu rất rõ ràng là Argentina không ngại các “quỹ kền kền”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục