Armenia có thể nhượng bộ nếu Azerbaijan sẵn sàng làm tương tự

Thủ tướng Pashinyan nêu rõ: "Xung đột cần được giải quyết trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau. Nagorny-Karabakh đã sẵn sàng, Armenia đã sẵn sàng làm theo những nhượng bộ mà Azerbaijan sẵn sàng thực hiện.”
Khói lửa bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói lửa bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan ngày 6/10 tuyên bố Armenia có thể nhượng bộ trong cuộc xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh nếu Azerbaijan sẵn sàng làm điều tương tự.

Thủ tướng Pashinyan nêu rõ: "Xung đột cần được giải quyết trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau. Nagorny-Karabakh đã sẵn sàng, Armenia đã sẵn sàng làm theo những nhượng bộ mà Azerbaijan sẵn sàng thực hiện.”

Cùng ngày, Điện Kremlin kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh lập tức ngừng giao tranh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra lời kêu gọi trên sau khi người đứng đầu Lực lượng tình báo nước ngoài của Nga, ông Sergei Naryshkin cảnh báo khu vực Nagorny-Karabakh có thể trở thành căn cứ để các đối tượng khủng bố lợi dụng thâm nhập lãnh thổ Nga.

[Đụng độ ác liệt tại Karabakh, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Azerbaijan]

Cũng trong ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ lo ngại về khả năng các tay súng Syria và Libya tham gia cuộc xung đột Nagorny-Karabakh.

Trong cuộc điện đàm thứ hai kể từ ngày 2/10, ngoại trưởng hai nước cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc về sự leo thang chưa từng thấy trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh."

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trang spectator.sme.sk dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Slovakia Ivan Korčok cho rằng hoạt động quân sự ở khu vực Nagorny-Karabakh đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương là nguyên tắc cốt lõi trong chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu này và kêu gọi giải pháp đa phương cho vấn đề tranh chấp ở khu vực Nagorny-Karabakh.

Ông Korčok bày tỏ quan ngại xung đột tại Nagorny-Karabakh có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực.

Ông Korčok kêu gọi các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pháp sử dụng ảnh hưởng của các nước này để giúp các bên quay trở lại bàn đàm phán, góp phần giải quyết cuộc xung đột này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.