Armenia hoàn tất dự thảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan

Armenia đã hoàn tất dự thảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan và đã gửi dự thảo này cho Azerbaijan cũng như các quốc gia thành viên của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Armenia hoàn tất dự thảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan ảnh 1Ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết nước này đã hoàn tất dự thảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan và đã gửi dự thảo này cho Azerbaijan cũng như các quốc gia thành viên của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Phát biểu tại cuộc họp chính phủ ngày 16/2, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh điều này cho thấy đã có tiến bộ nhất định trong đàm phán với Azerbaijan.

Trước đó, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan ngày 7/2 cho biết nước này đã chuyển các đề xuất hòa bình tới phía Azerbaijan và sau đó đã nhận được những phản hồi từ Baku về đề xuất này.

[Đức kêu gọi chấm dứt phong tỏa tại khu vực Nagorny-Karabakh]

Armenia tiếp tục nghiên cứu và đã hoàn tất dự thảo thỏa thuận về thiết lập hòa bình và quan hệ với Azerbaijan.

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh.

Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.

Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.