Armenia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với OSCE tái thiết lập ngừng bắn

Sau khi Nga, Mỹ và Pháp ra tuyên bố kêu gọi hai bên xung đột trở lại đàm phán, Armenia tuyên bố sẵn sàng phối hợp với OSCE hướng tới thiết lập lại lệnh ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh.
Lực lượng Armenia bắn đạn pháo nhằm vào các vị trí của quân đội Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng Armenia bắn đạn pháo nhằm vào các vị trí của quân đội Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Armenia tuyên bố nước này sẵn sàng phối hợp với Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hướng tới thiết lập lại lệnh ngừng bắn tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh.

Trước đó, ngày 1/10, lãnh đạo Nga, Mỹ và Pháp - các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE trung gian hòa giải xung đột ở Nagorny-Karabakh, đã ra tuyên bố kêu gọi hai bên xung đột trở lại đàm phán.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia "hoan nghênh việc lãnh đạo các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực tại khu vực Nagorny-Karabakh," đồng thời nêu rõ "Armenia chủ trương giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình."

Tuyên bố khẳng định Armenia sẵn sàng hợp tác với các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk hướng tới ngừng bắn trên cơ sở các thỏa thuận 1994-1995.

[Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Mỹ, Pháp, Nga ra tuyên bố chung]

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Nhóm Minsk thành lập năm 1992 với mục đích làm trung gian cho một giải pháp hòa bình đối với khu vực này, theo đó đạt được thỏa thuận ngừng bắn năm 1994.

Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận này và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Căng thẳng tái bùng phát sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.

Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến gần 200 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.