Armenia và Azerbaijan cam kết giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình

Armenia và Azerbaijan không đưa ra tuyên bố chính thức sau cuộc gặp ba bên bên lề Hội nghị An ninh Munich, song cam kết tránh xung đột cho thấy căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu hạ nhiệt.

Người tị nạn Armenia rời khỏi Nagorny-Karabakh đi lánh nạn tới các thành phố của Armenia ngày 26/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người tị nạn Armenia rời khỏi Nagorny-Karabakh đi lánh nạn tới các thành phố của Armenia ngày 26/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo Tổng thống Armenia Nikol Pashinyan và người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev đã nhất trí giải quyết bất đồng giữa hai nước thông qua các biện pháp hòa bình.

Thủ tướng Đức đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp ba bên với các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan bên lề Hội nghị An ninh Munich.

Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Đức, tại cuộc gặp, Thủ tướng Scholz đã hối thúc Armenia và Azerbaijan nhanh chóng hoàn tất các cuộc đối thoại hòa bình.

Tuyên bố nêu rõ Thủ tướng Scholz hoan nghênh cam kết của hai nước này giải quyết những khác biệt trong lập trường, giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực.

Giới quan sát nhận định mặc dù Armenia và Azerbaijan không đưa ra tuyên bố chính thức sau cuộc thảo luận, song cam kết tránh xung đột cho thấy căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sáng cùng ngày, cũng tại Munich, Tổng thống Nikol Pashinyan đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó nhà lãnh đạo Armenia đã đề cập diễn biến "leo thang mới" trong quan hệ với Azerbaijan.

Theo kế hoạch, Tổng thống Azerbaijan cũng sẽ có cuộc thảo luận riêng với Ngoại trưởng Mỹ trong ngày 17/2.

Trước đó, ngày 13/2, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc nhau châm ngòi cho cuộc giao tranh mới qua biên giới giữa hai nước.

Phía Armenia cho biết bốn binh sỹ của nước này đã thiệt mạng. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước nối lại nỗ lực đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 năm.

Tháng 12 năm ngoái, Azerbaijan và Armenia đã ra tuyên bố chung, nhất trí thực hiện các bước đi mới hướng tới bình thường hóa quan hệ, trong nỗ lực thúc đẩy hòa giải giữa hai nước.

Hai quốc gia láng giềng ở vùng Nam Caucasus này đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny - Karabakh.

Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vào Armenia.

Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song xung đột vẫn nhiều lần tái diễn.

Ngày 19/9/2023, Azerbaijan đưa quân đến Nagorny-Karabakh và sau một ngày giao tranh, nước này tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi lực lượng người sắc tộc Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.