Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (10 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) diễn ra theo hình thức trực tuyến, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc đã ký thỏa thuận với các định chế tài chính lớn thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đẩy mạnh hợp tác liên ngân hàng, thúc đẩy nền kinh tế khu vực Đông Nam Á vốn đang chịu những tác động nặng nề từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là thỏa thuận hợp tác liên ngân hàng đầu tiên kể từ khi Cơ chế Hợp tác liên ngân hàng ASEAN+3 được thiết lập tháng 11 năm ngoái nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho các dự án hạ tầng trong khu vực.
Theo đó, 3 ngân hàng trên đặt mục tiêu sẽ xây dựng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các định chế tài chính ASEAN nhằm ổn định hệ thống tài chính cũng như cải thiện khả năng thanh toán bằng tiền mặt tại các thị trường toàn cầu. Theo JBIC, do ngày càng nhiều các công ty Nhật Bản đổ vào thị trường Đông Nam Á, vốn được đánh giá là đang phát triển nhanh chóng, JBIC sẽ tìm cách tăng cường các hoạt động kinh tế tại khu vực ASEAN thông qua hợp tác liên ngân hàng.
[Phiên đối thoại của Lãnh đạo các nước ASEAN+3 với đại diện EABC]
Trong số các thành viên ASEAN, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1990, với mức giảm 3,49% trong quý III vừa qua và giảm 5,32% trong quý II/2020.
Theo Kyodo, các định chế tài chính ASEAN tham gia ký thỏa thuận hợp tác với 3 ngân hàng của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có PT Bank Mandiri (Persero) Tbk. của Indonesia, Canadia Bank Plc. của Campuchia, DBS Bank Ltd. của Singapore, Kasikornbank Public Co. của Thái Lan, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CIMB Group Sdn Bhd của Malaysia, Ngân hàng Phát triển Lào.../.