ASEAN 2020: Cường độ năng lượng ASEAN giảm 21,4% so với năm 2020

Sáng 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các hội nghị liên quan. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An điều hành tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An điều hành tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Sáng 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các hội nghị liên quan. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chủ trì hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra các sự kiện chính bao gồm: hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 (AMEM 38); hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 lần thứ 17 (AMEM+3); hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á (EAS EMM) lần thứ 14; hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN với IEA, IRENA; hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á và các Tổ chức Năng lượng quốc tế;Đối thoại Bộ trưởng-CEO, diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020 (AEBF).

Tại các sự kiện này, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nước tham gia đã xem xét báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về năng lượng 2016-2025 (APAEC) giai đoạn 1: 2016-2020; thông qua các dự thảo cho APAEC giai đoạn 2: 2021-2025; thông qua ấn phẩm “Tầm nhìn Năng lượng ASEAN số 6;” tổng kết hoạt động của các mạng lưới ASEAN về năng lượng theo từng chuyên ngành gồm than và công nghệ than sạch, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, kế hoạch và chính sách năng lượng khu vực, năng lượng nguyên tử dân dụng; xem xét thông qua kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể với các Đối tác đối thoại của ASEAN như ASEAN+3, các nước Đông Á, IEA, IRENA, ERIA, ACE…

Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả nổi bật trong hợp tác năng lượng ASEAN, cụ thể như cường độ năng lượng khu vực ASEAN hiện đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu là giảm 20% vào năm 2020; kết nối đường ống dẫn khí đạt chiều dài 3,631 km qua 6 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam và hình thành 9 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất là 38,75 triệu tấn/năm.

Cùng với đó, tăng thêm các dự án kết nối lưới điện giúp tăng công suất trao đổi điện năng lên 10.800 MW vào năm 2020 và sau 2020 tăng lên hơn 16.000 MW; dự án thí điểm liên kết, trao đổi điện đa phương giữa Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore đã triển khai thành công giai đoạn 1 với sự kết nối, thực hiện giao dịch mua bán điện giữa Lào và Malaysia thông qua lưới điện của Thái Lan từ tháng 1/2018.

Ngoài ra, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của khu vực ASEAN ngày càng tăng cao, hướng tới đạt được mục tiêu tỷ lệ gia tăng năng lượng tái tạo là 23% trong năm 2025.

[Họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 về năng lượng]

Với chủ đề hợp tác năng lượng năm 2020 là: “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN,” trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh COVID-19 còn thường trực, các Bộ trưởng/trưởng đoàn thống nhất thúc đẩy nỗ lực và sáng kiến ứng phó với COVID-19; tăng cường hợp tác để hoàn thành các các chỉ tiêu về năng lượng năm 2020.

Trên tinh thần của một cộng đồng ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cùng với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn tin tưởng các cam kết về phát triển năng lượng ASEAN và quá trình chuyển dịch năng lượng chắc chắn sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hướng tới mục tiêu xây dựng ngành năng lượng ASEAN bền vững và thân thiện với môi trường.

Đây là lần đầu tiên hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN thường niên được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn năng lượng của 10 nước thành viên, Ban Thư ký ASEAN (ASEC), Trung tâm năng lượng ASEAN (ACE), các Tổ chức: Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE), đại diện của Hội nghị quan chức cao cấp của các đơn vị điện lực ASEAN (HAPUA).

Cùng đó là các Đoàn đại biểu cấp cao của các quốc gia đối tác trong các khuôn khổ đối thoại của AMEM gồm ASEAN+3 gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; EAS EMM (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ) và các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

Về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực năng lượng, dầu khí, than trực thuộc Bộ Công Thương.

Với vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch của hội nghị AMEM lần thứ 38 và các hội nghị liên quan, Việt Nam đã tích cực làm việc và phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN để hội nghị diễn ra thành công, tốt đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.