Trong khuôn khổ tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN 2020, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 24 đã được tổ chức ngày 2/10 theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì và điều hành Hội nghị từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC), 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Tham dự Hội nghị, bên cạnh các Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên ASEAN còn có sự tham gia của Tổng thư ký ASEAN, Lãnh đạo Nhóm Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã có phiên thảo luận về tình hình kinh tế tài chính khu vực và những vấn đề phát triển mà khu vực quan tâm, đánh giá về tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính ASEAN.
Thảo luận chính sách ứng phóCOVID-19
Các Bộ trưởng Tài chính đã cùng với lãnh đạo các tổ chức quốc tế và Ban thư ký ASEAN thảo luận về viễn cảnh kinh tế khu vực, các sáng kiến kết nối và cơ sở hạ tầng ASEAN, chương trình phát triển bền vững, bao gồm cả tài chính xanh và nền kinh tế số cũng như tác động của COVID-19 tới các vấn đề phát triển và các giải pháp chính sách ứng phó hiện nay của các quốc gia thành viên. Các tổ chức quốc tế nhận định đại dịch COVID-19 có tác động nặng nề không chỉ đến các hoạt động kinh tế mà còn tới những nỗ lực giải quyết các vấn đề phát triển của khu vực.
Để đối phó với các tác động của đại dịch, cộng đồng quốc tế đang gia tăng các nỗ lực hỗ trợ các nước đang phát triển đang phải đối mặt với đại dịch. Theo đó, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nhóm G20 đã phê chuẩn Sáng kiến Tạm dừng Trả nợ (DSSI), theo đó đã tạm hoãn hơn 5 tỷ USD tiền trả nợ trong năm nay cho 43 quốc gia đủ điều kiện.
Tham gia ý kiến với Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định cũng như các nền kinh tế ASEAN, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Các giải pháp chính sách tài khóa và tiền tệ như đưa ra gói hỗ trợ cho người nghèo, người mất việc làm, miễn giảm giãn một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm các mức lãi suất điều hành, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đã giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng 2,12% trong 9 tháng đầu năm.
“Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đánh giá cao các giải pháp mà các tổ chức quốc tế đã và đang triển khai, đặc biệt là chương trình tạm dừng trả nợ và các gói hỗ trợ khắc phục tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ một cách công khai minh bạch, tạo điều kiện phát triển bền vững trong tương lai,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đánh giá cao các bài trình bày của Tổng thư ký ASEAN, Chủ tịch ADB và Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới và nhấn mạnh tầm quan trọng của các chủ đề này trong việc phát triển nền kinh tế của từng quốc gia cũng như toàn khu vực.
Thúc đẩy tiến độ hợp tác tài chính ASEAN
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam đã có báo cáo tóm tắt cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN, bao gồm các nhóm công tác về Tài chính cơ sở hạ tầng, Hợp tác về bảo hiểm, Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Hợp tác về hải quan, Tài chính chống rửa tiền và khủng bố cùng Diễn đàn thuế ASEAN.
Hội nghị cũng ghi nhận bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Việt Nam với vai trò là Chủ trì Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) trình bày về kết quả triển khai các sáng kiến của Diễn đàn, đặc biệt là việc xây dựng Lộ trình phát triển thị trường vốn ASEAN với 4 ưu tiên chính: tăng cường về nền tảng, phát triển các sản phẩm và tiếp cận các lĩnh vực chưa được khai phá, tăng cường nhận thức và năng lực, tăng cường kết nối.
Trong thời gian qua, tiến trình hợp tác tài chính ASEAN đã đạt được những bước tiến quan trọng. Nhiều sáng kiến hợp tác tài chính đã được triển khai và đóng góp tích cực vào các mục tiêu hợp tác và hội nhập ASEAN.
Theo đó, các Bộ trưởng Tài chính đã thông qua báo cáo hoạt động của các nhóm công tác cũng như cho ý kiến về các định hướng hợp tác trong thời gian tới, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, tiến trình hợp tác tài chính ASEAN vẫn được triển khai theo đúng tiến độ, thể hiện tinh thần gắn kết và hợp tác ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 24 dưới sự chủ trì của Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các nước thành viên đánh giá cao công tác tổ chức và chủ trì, điều hành Hội nghị của Việt Nam trong năm 2020. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Brunei nước Chủ tịch ASEAN 2021./.