ASEAN hướng tới đạt mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030

Báo Jakarta Post có đăng bài viết của hai tác giả Yoriko Yasukawa và Annette Sachs Robertson thuộc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cho rằng “ASEAN có thể đạt mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030.”
ASEAN hướng tới đạt mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030 ảnh 1(Nguồn: The Jakarta Post)

Báo Jakarta Post (Bưu điện Jakarta) số ra mới đây có đăng bài viết của hai tác giả Yoriko Yasukawa và Annette Sachs Robertson thuộc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cho rằng “ASEAN có thể đạt mục tiêu bình đẳng giới vào năm 2030.”

Theo bài viết trên, ASEAN đang chuẩn bị rất nhiều hoạt động để kỷ niệm 50 năm thành lập trong năm 2017 nhằm đánh dấu những thành công của hiệp hội về phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Trong những thập kỷ qua, các quốc gia thành viên ASEAN đã có những tiến bộ rõ rệt, trong đó có giảm tỷ lệ tử vong đối với phụ nữ - một tiêu chí đánh giá về giá trị của phụ nữ ở từng quốc gia thành viên.

Trong giai đoạn từ năm 1990-2015, Campuchia đã giảm được 84% số phụ nữ tử vong vì các biến chứng liên quan đến thai nghén hoặc sinh con, Lào giảm được 78% trong khi tỷ lệ này đối với Việt Nam và Myanmar là 61%.

Kết quả này có được là do việc thực hiện mục tiêu đảm bảo sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và  rộng hơn là khuôn khổ bảo hiểm y tế toàn dân của các nước ASEAN.

Theo đó, các nước đã tăng cường giáo dục việc áp dụng các biện pháp tránh thai và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình khác để giúp tránh thai ngoài ý muốn cũng như giúp phụ nữ có những kỹ năng tự chăm sóc bản thân trong thời kỳ trước, trong và sau khi sinh; tăng cường năng lực của ngành y tế thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn và trao đổi kiến thức giữa các quốc gia thành viên với nhau dưới sự hỗ trợ của UNFPA.

Bên cạnh đó, ASEAN đã có một kế hoạch hành động mạnh mẽ nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ - một trong những thách thức chính của khu vực.

Hiện đã có 9 nước thành viên ASEAN, bao gồm cả Indonesia, có luật về bạo lực gia đình, 5 nước có luật về quấy rối tình dục và 5 nước có kế hoạch hành động quốc gia về giải quyết bạo lực đối với phụ nữ nhằm đảm bảo luật pháp được thực hiện hiệu quả.

Tại một số quốc gia, với sự hỗ trợ thường xuyên của UNFPA, các chính phủ đang làm việc để thu thập dữ liệu về bạo lực đối với phụ nữ và tăng cường pháp chế cũng như các chính sách để đảm bảo các quyền và lợi ích của phụ nữ.

Bài viết nhấn mạnh trong bối cảnh các thành tố của bình đẳng giới, bao gồm sức khoẻ và quyền sinh sản cũng như sức khỏe tình dục đang chịu tác động từ rất nhiều yếu tố khác nhau, thì việc ASEAN tập trung và đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này là đáng mừng và là điểm sáng để nhiều quốc gia khác học tập.

Cách thức thực hiện cũng như hiệu quả của chương trình này là rất quan trọng đối với việc hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình để nhân rộng ra toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.