AU và Ethiopia đề xuất giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng Sudan

Đây là động thái nhằm thúc đẩy những nỗ lực đưa giới tướng lĩnh quân sự cầm quyền và các lãnh đạo phong trào biểu tình ở Sudan quay trở lại bàn đàm phán.
Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 31/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/6, cựu Thủ tướng Sudan Sadiq al-Mahdi, đồng thời là lãnh đạo đảng NUP đối lập tại Sudan, cho biết Liên minh châu Phi (AU) và Ethiopia sẽ đưa ra một đề xuất chung và mới để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan.

Đây là động thái nhằm thúc đẩy những nỗ lực đưa giới tướng lĩnh quân sự cầm quyền và các lãnh đạo phong trào biểu tình ở Sudan quay trở lại bàn đàm phán.

[Phe biểu tình tại Sudan chấp nhận đề xuất về chuyển tiếp chính trị]

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn truyền thông khu vực cho biết các quan chức Ethiopia và AU đang lên kế hoạch về một bản đề xuất chung, trong đó bao gồm việc thành lập một cơ quan lập pháp lâm thời.

Trước đó, các thủ lĩnh biểu tình do Liên minh Tự do và thay đổi làm đại diện, tuyên bố họ đã chấp thuận đề xuất của Ethiopia về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Trong khi đó, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) cầm quyền của Sudan đã kêu gọi Ethiopia và AU thống nhất những nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hội đồng với liên minh đối lập, hóa giải những bất đồng về cấu trúc của chính quyền chuyển tiếp ở quốc gia châu Phi này.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, ông Sadiq al-Mahdi cũng đã từ chối lời kêu gọi tham gia biểu tình quy mô lớn chống lại TMC, dự kiến tổ chức ngày 30/6 tới, do Liên minh Tự do và thay đổi kêu gọi.

Theo ông Mahdi, căng thẳng giữa phong trào phản kháng và quân đội vẫn chưa có dấu hiệu xoa dịu sau cuộc đàn áp của lực lượng chức năng nhằm vào người biểu tình ngày 3/6 vừa qua.

Chính vì vậy, các bên cần tránh các động thái có thể khiến căng thẳng leo thang.

Hiện tại, mọi động thái đưa ra trước khi nhận được phản ứng của TMC đối với kế hoạch chuyển giao quyền lực do Ethiopia đề xuất đều là không phù hợp.

Trong những tuần gần đây, Ethiopia và AU đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hội đồng quân sự và phong trào ủng hộ dân chủ đòi thành lập chính quyền dân sự ở Sudan.

Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở thủ đô Khartoum.

Theo những người tổ chức biểu tình, các cuộc đàn áp đẫm máu đã khiến ít nhất 128 người thiệt mạng tại nhiều khu vực của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục