Ngày 1/7, lệnh cấm sử dụng túi nilon dùng một lần bắt đầu có hiệu lực tại bang Queensland, Australia. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường.
Phát biểu nhân ngày này, Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk nêu rõ: "Người Queensland sử dụng gần 1 tỷ túi nilon một lần mỗi năm và khoảng 16 triệu chiếc túi đó lại thải ra môi trường quý giá của chúng ta."
Bà Palaszczuk cho biết theo lệnh cấm, các nhà bán lẻ không được cấp túi nilon dùng 1 lần, túi nhựa loại nhẹ, mỏng hơn 35 micrômét.
Theo bà, rác thải trôi nổi trên biển là một vấn đề lớn đối với du lịch và bảo tồn môi trường của Queensland khi khoảng 75% rác thải vớt được trên vùng biển của bang này là từ dọc khu vực bờ biển.
Ngoài ra, khoảng 90% loài chim biển tại đây ăn các rác thải nhựa, tương tự 30% loài rùa biển, đe dọa đến đời sống của sinh vật khu vực.
Hoan nghênh lệnh cấm này của bang Queensland, lãnh đạo Quỹ Giải cứu và Nghiên cứu Thế giới Biển Trevor Long cho biết ô nhiễm rác thải nhựa đã được chứng minh là vấn đề môi trường lớn và lệnh cấm là một "sáng kiến tuyệt vời."
Ngoài Queensland, bang Victoria cũng ban hành lệnh cấm dùng nilon một lần, có hiệu lực vào năm 2019.
Trước đó, Woolworths và Coles, hai tập đoàn bán lẻ lớn của Australia cũng đã tuyên bố ngừng cung cấp túi nilong dùng một lần tại tất cả cửa hàng trên toàn quốc.
[Tập đoàn bán lẻ Woolworths ngừng cung cấp túi nilon sử dụng một lần]
Rác thải nhựa có nguồn gốc từ túi nilon sử dụng một lần là một trong những nguồn ô nhiễm môi trường lớn nhất tại Australia trong những năm gần đây.
Theo công bố của Tổ chức môi trường Làm sạch Australia, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của “xứ sở chuột túi” phát tán hơn 5 tỷ túi nilon sử dụng một lần mỗi năm.
Chỉ có khoảng 3% trong số đó sẽ được tái chế, còn lại hầu hết bị ném bỏ và trở thành nguồn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài biện pháp xử lý rác thải tại chỗ, mỗi năm Australia xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn rác thải tái chế sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Trung Quốc quyết định hạn chế nhập khẩu chất thải tái chế. Sự thay đổi chính sách này của Trung Quốc khiến Australia phải nhanh chóng tìm kiếm các phương án thay thế trong xử lý nguồn rác thải.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng bên cạnh các giải pháp mang tính dài hạn, Chính phủ Australia cần xem xét ban hành lệnh cắt giảm và cấm túi nilon, các loại bao bì, hộp nhựa dùng một lần, coi đây là những giải pháp khẩn cấp cần sớm áp dụng trên cả nước./.