Ngày 13/10, Chính phủ Australia thông báo sẽ chi thêm 95 triệu AUD (64,13 triệu USD) cho các biện pháp phòng chống cúm gia cầm, dịch bệnh hiện đã lây lan qua các quần thể chim và động vật có vú trên toàn thế giới dù chưa có ca nhiễm nào được xác nhận tại quốc gia này.
Châu Đại Dương là khu vực cuối cùng trên thế giới chưa ghi nhận ca mắc cúm gia cầm H5N1 chủng 2.3.4.4b.
Kể từ khi xuất hiện ở châu Á, châu Âu và châu Phi vào năm 2020, chủng virus này là nguyên nhân gây thiệt hại hàng trăm triệu con chim và hàng chục nghìn động vật có vú, cũng như làm đảo lộn ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Australia Julie Collins cho biết khoản ngân sách mới công bố sẽ bổ sung cho khoản tiền hơn 1 tỷ AUD được chi để tăng cường an ninh sinh học tại quốc gia này.
Bộ trưởng Julie Collins đánh giá chủng cúm gia cầm này thực sự là mối đe dọa đáng kể đối với ngành nông nghiệp của Australia.
Nhờ có vị trí địa lý nằm ngoài tuyến đường di cư của các loài chim lớn phát tán bệnh truyền nhiễm nên chủng virus cúm gia cầm độc lực cao vẫn chưa xuất hiện tại Australia nhưng bệnh cũng đã lan đến những quốc gia và vùng gần với Australia như Indonesia vào năm 2022 và Nam Cực vào năm ngoái.
Các nhà khoa học và quan chức cho biết nguy cơ virus này xâm nhập Australia cao hơn khi các loài chim biển di vào mùa Xuân ở Nam bán cầu, từ tháng Chín đến tháng 11.
Đầu năm nay, Australia cũng đã xử lý ba đợt bùng phát cúm gia cầm cùng lúc nhưng mỗi đợt lại liên quan đến một chủng virus khác nhau, không đợt nào trong số này là loại H5N1./.
Tại sao Australia chưa từng phát hiện cúm gia cầm?
Giới khoa học đưa ra nhiều lý giải cho việc Australia cùng toàn bộ khu vực châu Đại Dương vẫn là vùng đất chưa bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm.