Australia siết chặt các quy định về chống quấy rối tình dục

Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính phủ của ông sẽ rà soát các luật về phân biệt giới nhằm buộc các nghị sĩ, thẩm phán và công chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi quấy rối tại nơi làm việc.
Australia siết chặt các quy định về chống quấy rối tình dục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 8/4, Chính phủ Australia thông báo sắp tới các chính trị gia nước này sẽ không còn được miễn áp dụng các quy định về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như luật hiện hành.

Trong thông báo, Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính phủ của ông sẽ rà soát lại các luật về phân biệt giới nhằm buộc các nghị sĩ, thẩm phán và công chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi quấy rối tại nơi làm việc.

Luật hiện hành của Australia miễn áp dụng các quy định nói trên đối với các nghị sĩ, thẩm phán và công chức, song họ vẫn có thể bị truy tố hình sự về tội cưỡng dâm.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận ở Australia đang phẫn nộ về các vụ bế bối quấy rối tình dục tại quốc hội nước này và sau khi một báo cáo tiêu đề  "Respect @ Work" được công bố liên quan đến một cuộc điều tra trên toàn quốc về các vụ quấy rối tình dục.

[Dịch COVID-19: Thái Lan siết chặt quy định phòng dịch]

Mới đây, một cựu nhân viên thuộc đảng Tự do của Thủ tướng Morrison công khai cáo buộc cô đã bị một đồng nghiệp trong quốc hội cưỡng hiếp vào năm 2019.

Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông Christian Porter bị cáo buộc xâm hại tình dục một cô gái 16 tuổi năm 1988 khi cả hai còn là học sinh. Ông Porter đã bác bỏ cáo buộc này. 

Những người chỉ trích cho rằng các vụ việc trên cùng với sự lưỡng lự hành động của chính phủ phản ánh văn hóa "độc hại" và phân biệt giới tại quốc hội Australia.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Australia Michaelia Cash, người vừa được bổ nhiệm tuần trước thay thế ông Porter, ngoài sửa đổi luật nói trên còn có những đề xuất sửa đổi khác, bao gồm phân loại hành vi quấy rối tình dục tại công sở là "hành vi sai trái nghiêm trọng" và người vi phạm có thể bị sa thải.

Chính phủ Australia hy vọng trình điều khoản sửa đổi luật nói trên lên Quốc hội nước này vào tháng 6 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.