Ba dự án đạt giải nhất cuộc thi ứng dụng AI trong đô thị thông minh

Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 nhằm tạo không gian kết nối cho sinh viên, doanh nghiệp chia sẻ các xu hướng khoa học công nghệ trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật.
Ba dự án đạt giải nhất cuộc thi ứng dụng AI trong đô thị thông minh ảnh 1Ban Tổ chức trao giải cho các dự án xuất sắc của Bảng 3. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sáng 16/10, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) và Vườn ươm doanh nghiệp Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 với chủ đề “Thông minh hơn cho cuộc sống tốt hơn” và hoạt động cộng đồng Kết nối doanh nghiệp với sinh viên 2019, với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số.”

Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 nhằm tạo không gian kết nối cho sinh viên, doanh nghiệp chia sẻ các xu hướng khoa học công nghệ trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT); cập nhật mức độ sẵn sàng của cộng đồng khởi nghiệp trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khơi nguồn ý tưởng-phát triển sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Hơn 70 dự án tham gia tranh tài, được chia vào 3 bảng của cuộc thi (phân theo nhóm các lĩnh vực).

Kết quả, ba dự án ứng dụng về truy xuất nguồn gốc, quảng cáo và chăm sóc sức khỏe đã đạt giải nhất các bảng gồm Dự án Digi Ads, sử dụng AI để phân tích hành vi khách hàng trên các bảng quảng cáo công cộng; Dự án “Phần mềm giải pháp truy xuất nguồn gốc trên nền tảng công nghệ Blockchain,” với mỗi loại nông sản sẽ được định danh bằng một mã QR code và khi quét vào mã này, toàn bộ thông tin về các công đoạn của quy trình sản xuất sẽ hiện ra; Dự án “Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa,” sử dụng IoT để phục vụ việc châm cứu, vật lý trị liệu cho người bệnh từ xa.

[TP.HCM xây dựng các giải pháp thực hiện Đề án đô thị thông minh]

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Thanh, các dự án dự thi có chất lượng khá tốt, trong đó nhiều dự án đã được ứng dụng trong thực tế. Đối với các dự án có ý tưởng hoặc muốn hoàn thiện sản phẩm tốt hơn có thể tham gia các chương trình hỗ trợ của Thành phố, nhất là Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp). Ngoài ra, Sở có thể xem xét cấp kinh phí hỗ trợ các dự án tham gia vào chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, nhằm kiến tạo môi trường và không gian khởi nghiệp cho sinh viên, trong quý 4/2019, Hội Tin học Thành phố tiếp tục tổ chức hoạt động cộng đồng 2019 - Kết nối doanh nghiệp với sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình sẽ thực hiện tại các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, marketing…

Qua đó, cung cấp kiến thức tổng quan về IoT, AI; ứng dụng giải pháp IoT và AI trong sản xuất và kinh doanh của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vai trò của sinh viên trong phát triển đô thị sáng tạo, thông minh; tầm quan trọng của đô thị sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước…

Chuỗi sự kiện kết nối doanh nghiệp với sinh viên do Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ năm 2008. Đến nay, chương trình đã tổ chức tại hơn 100 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thu hút sự tham gia của hơn 55.000 lượt sinh viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục