Ngày 19/5, Tòa án địa hạt Columbia, Mỹ, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này nhanh chóng công bố toàn bộ dữ liệu thư điện tử cá nhân của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong thời gian đương nhiệm (2009-2013).
Theo lệnh của Thẩm phán Rudolph Contreras, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải công bố hơn 55.000 trang thư điện tử mà bà Clinton đã gửi và nhận khi còn giữ chức ngoại trưởng.
Ông Contreras cũng yêu cầu bộ trên công bố 300 thư điện tử của bà Clinton liên quan tới các chiến dịch của Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya, nơi xảy ra vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ khiến Đại sứ và ba nhà ngoại giao nước này thiệt mạng hồi năm 2012.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định cơ quan này sẽ tuân thủ nghiêm túc lệnh của tòa án.
Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử tại bang Iowa, cựu Ngoại trưởng Clinton cũng bày tỏ ủng hộ việc công khai các dữ liệu thư điện tử, đồng thời kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp các tài liệu này "càng sớm càng tốt". Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó cho biết có kế hoạch công bố thư điện tử cá nhân của bà Clinton vào tháng 1/2016.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh bà Hillary Clinton đang đối mặt với nhiều rắc rối sau khi hàng loạt tờ báo Mỹ hồi đầu năm đưa tin bà dùng tài khoản email cá nhân để giải quyết việc công trong suốt 4 năm làm ngoại trưởng, thay vì dùng tài khoản email chính thức do chính phủ cấp.
Vụ việc này đã phần nào làm tổn hại thanh danh, dẫn tới làm sụt giảm uy tín của cựu Ngoại trưởng Clinton - ứng cử viên sáng giá nhất đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo kết quả thăm dò dư luận công bố hồi tháng trước, kể từ sau khi bà Clinton chính thức tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ 2016, tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm từ 42% xuống 36%. Tuy nhiên, bà vẫn giữ được uy tín khá cao đối với các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ khi có tới 76% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ bà./.