Trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính quyền và tòa án, ngày 3/7, Tổng thống Ba Lan thông báo Chánh án Tòa án Tối cao sẽ nghỉ hưu từ ngày 4/7 trong khuôn khổ kế hoạch cải tổ tư pháp.
Tuy nhiên, Chánh án Malgorzata Gersdorf ngay lập tức đã lên tiếng từ chối tuân theo quyết định trên.
Phát biểu trước các nghị sỹ tại Quốc hội sau khi có cuộc trao đổi với Tổng thống Andrzej Duda, Chánh án Gersdorf gọi kế hoạch cải tổ Tòa án Tối cao của chính phủ, theo đó giảm độ tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán từ 70 xuống còn 65 tuổi, là "một sự thanh trừng."
Bà cũng phản đối việc cắt giảm nhiệm kỳ sáu năm của bà theo quy định của Hiến pháp, dự kiến kết thúc vào năm 2020. Nữ chánh án này đồng thời tuyên bố sẽ "đi làm vào ngày mai (4/7)" và sau đó sẽ nghỉ ngơi một thời gian.
Trong khi đó, người phát ngôn Tòa án Tối cao cho biết bà Gersdorf đã chỉ định ông Jozef Iwulski tạm thời đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Tòa án Tối cao trong thời gian nữ chánh án này vắng mặt. Tuy nhiên, Trợ lý tổng thống Pawel Mucha vẫn tuyên bố rằng bà Gersdorf "sẽ nghỉ hưu theo đúng luật pháp" và hiện "người đứng đầu Tòa án Tối cao là thẩm phán Iwulski," người được Tổng thống Duda lựa chọn.
[Ba Lan bị khởi kiện vì chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi]
Trước đó, Ba Lan thông báo từ ngày 3/7, nước này sẽ chính thức áp dụng luật mới cắt giảm 1/3 số thẩm phán Toàn án Tối cao trừ khi có lệnh đặc biệt từ Tổng thống Duda. Ước tính kế hoạch cải tổ tư pháp của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới 27 trong tổng số 73 thẩm phán đang làm việc tại Tòa án Tối cao.
Theo luật pháp Ba Lan, những thẩm phán này có quyền yêu câu Tổng thống kéo dài nhiệm kỳ, song ông Duda vẫn có thể chấp nhận hoặc bác yêu cầu của họ mà không cần đưa ra lý do nào. Truyền thông Ba Lan cho biết cho tới nay đã có 16 thẩm phán yêu cầu Tổng thống Duda kéo dài nhiệm kỳ cho họ.
Kế hoạch cải tổ tư pháp của Chính phủ Ba Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân trong nước và Liên minh châu Âu (EU). Người dân đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc biểu tình ủng hộ Chánh án Gersdorf và các thẩm phán trong tối 3/7 và sáng sớm 4/7 xung quanh các văn phòng tòa án tại trung tâm thủ đô Warsaw. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên quyết không lùi bước khi cho rằng kế hoạch cải tổ này là cần thiết để giải quyết tình trạng tham nhũng.
Hôm 2/7, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ tiến hành thủ tục pháp lý kiện Chính phủ Ba Lan do lo ngại những thay đổi mà Warsaw áp dụng với Tòa án Tối cao nước này có thể làm suy yếu tính độc lập của cơ quan này cũng như tính thượng tôn pháp luật, hai nguyên tắc chủ chốt của EU.
EC cho Ba Lan thời hạn một tháng để phản hồi về quyết định mới này. Đáp lại, phía Ba Lan vẫn khẳng định những gì quốc gia này đang làm ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn./.