Ngày 11/12, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Mateusz Morawiecki đã nhậm chức Thủ tướng nước này, thay bà Beata Szydlo, người sẽ làm Phó Thủ tướng trong chính phủ cánh hữu vốn đang bất đồng với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu cầm quyền ở Ba Lan ngày 7/12 đã đề xuất ông Morawiecki, 49 tuổi, ứng cử vị trí Thủ tướng sau khi bà Szydlo đệ đơn từ chức lên ủy ban chính trị của đảng.
Việc lựa chọn một Bộ trưởng Tài chính làm Thủ tướng Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Ba Lan đang muốn tập trung hơn nữa thúc đẩy nền kinh tế và tìm cách hàn gắn quan hệ với EU.
Phát biểu trong lễ nhậm chức tại Phủ tổng thống, ông Morawiecki, người sẽ vẫn giữ chức Bộ trưởng Tài chính, cam kết Chính phủ Ba Lan sẽ tiếp tục các biện pháp thúc đẩy phúc lợi xã hội, tạo việc làm và nhà ở cho người dân.
Ông Morawiecki dự kiến sẽ dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong ngày 12/12 do đảng PiS chiếm đa số trong Quốc hội. Theo các quan chức cấp cao đảng PiS, Chính phủ Ba Lan có thể tiến hành cải tổ nội các vào tháng 1/2018.
Kể từ năm 2015, PiS luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận nhờ một loạt chính sách hợp lòng dân như trợ cấp cho trẻ nhỏ, giảm độ tuổi về hưu và tăng lương.
Việc đảng PiS cầm quyền thay người đứng đầu chính phủ diễn ra trong bối cảnh Hạ viện Ba Lan vừa thông qua dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi mà các chính trị gia đối lập và EU cho là sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của bộ máy tư pháp và nguyên tắc pháp quyền tại quốc gia này.
Theo dự luật mới, Quốc hội có thể chọn lựa thành viên Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) - cơ quan quyền lực chịu trách nhiệm đảm bảo tính công bằng tư pháp và có quyền bổ nhiệm thẩm phán, qua đó tăng cường quyền kiểm soát chính trị với Tòa án Tối cao. Dự luật cũng sẽ giảm tuổi nghỉ hưu của các thành viên Tòa án Tối cao từ 70 xuống 65.
Tuy nhiên, Tổng thống có thể cho phép thẩm phán làm việc cho đến 70 tuổi. Cải cách này bị chỉ trích là bất hợp pháp khi buộc Chánh án Malgorzata Gersdorf phải ra đi khi chỉ mới nắm quyền được nửa nhiệm kỳ dài 6 năm.
Nếu như được Thượng viện thông qua và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ký ban hành, các đạo luật này sẽ làm leo thang căng thẳng khi EU trước đó đã cảnh báo sẽ có hành động pháp lý nếu Warsaw tiến hành cải cách.
Các dự luật cải cách tư pháp do đảng PiS soạn thảo gây tranh cãi cả ở trong nước và EU. Phe đối lập tại Ba Lan cho rằng các dự luật này sẽ làm mất tính độc lập của tòa án. Các hoạt động biểu tình phản đối cải cách tư pháp diễn ra tại nhiều thành phố của Ba Lan trong suốt thời gian qua.
Trong khi đó, phía EU cảnh báo Ba Lan có thể bị đình chỉ tư cách thành viên EU nếu Vácsava tiếp tục theo đuổi các cải cách gây tổn hại sự độc lập của bộ máy tư pháp và nguyên tắc pháp quyền tại Ba Lan, theo đó EU có thể kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon hủy bỏ quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong liên minh - một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU./.