Ba Lan tiếp tục chỉ trích gay gắt EU liên quan kết quả bầu ông Tusk

Ba Lan vẫn không ngừng bày tỏ phản đối kết quả bỏ phiếu tại Hội nghị thượng đỉnh EU, trong đó ông Donald Tusk được bầu lại làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, bất chấp lá phiếu chống của Ba Lan.
Ba Lan tiếp tục chỉ trích gay gắt EU liên quan kết quả bầu ông Tusk ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ba Lan vẫn không ngừng bày tỏ phản đối kết quả bỏ phiếu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua, trong đó ông Donald Tusk được bầu lại làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, bất chấp lá phiếu chống của Ba Lan.

Ngày 12/3, đại diện Ba Lan đã lên tiếng cáo buộc EU "gian lận," đồng thời tuyên bố sẽ áp dụng một chính sách "tiêu cực" đối với EU.

Trong ấn phẩm xuất bản cuối tuần của báo Super Express (Siêu tốc), Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Witold Waszczykowski cho rằng chính sách của EU là một trong những "tiêu chuẩn kép" và "gian lận."

Ông Waszczykowski tuyên bố Ba Lan sẽ sửa đổi các chính sách và điều chỉnh thái độ đối với EU, khẳng định nước này sẽ giảm mức độ tin tưởng vào EU và xem xét "theo đuổi một chính sách thận trọng" với khối này.

Ông Waszczykowsk cũng đề cập khả năng Ba Lan sẽ "ngăn chặn" các sáng kiến khác nhau của EU. Nhà ngoại giao Ba Lan còn chỉ trích EU vào phút cuối đã từ chối xem xét việc lựa chọn ông Jacek Saryusz-Wolski, ứng cử viên do Ba Lan đề cử, để thay thế ông Donald Tusk.

Tuyên bố trên được người đứng đầu ngành ngoại giao Ba Lan đưa ra sau khi xảy ra "cuộc xung đột" ngoại giao tuần qua tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ), trong đó lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã bỏ phiếu ủng hộ, giúp cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, bất chấp sự phản đối quyết liệt của nước này.

Ba Lan cho rằng ông Tusk, người từng giữ chức Thủ tướng Ba Lan từ năm 2007-2014, không nên được bầu theo cách đi ngược lại với nguyện vọng của nước chủ nhà.

Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo cũng không công nhận kết quả bỏ phiếu trên. Bà cho rằng Ba Lan có "những luận cứ rất rõ ràng" để phản đối ông Tusk tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhiệm kỳ thứ 2.

Theo Thủ tướng Szydlo, ông Tusk không thể duy trì được sự trung lập và công bằng, do đó lãnh đạo các nước EU nên cân nhắc điều này. Ông Donald Tusk là cựu Thủ tướng Ba Lan, nhưng bị chính phủ nước này phản đối vì cho rằng ông đã can thiệp vào vấn đề chính trị trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần 30 tháng qua, ông Tusk luôn được các thành viên EU - trừ chính phủ hiện tại ở Ba Lan - đánh giá cao và công nhận đã làm tốt sứ mệnh chèo lái giúp EU vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5 tới.

Cuộc xung đột ngoại giao giữa Ba Lan-EU nói trên đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong các quốc gia EU trong bối cảnh khối này đang cần sự đoàn kết cao độ để cùng tiến hành cuộc đàm phán lịch sử với Anh về vấn đề Brexit - quyết định việc nước Anh rời khỏi "mái nhà chung" EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.