Ba ''liều thuốc'' giúp tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021

Kể từ quý 4/2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên phạm vi toàn cầu, kéo xu hướng phục hồi kinh tế thế giới đi xuống một lần nữa và chưa thể nhận định được về những triển vọng năm 2021.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 10/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang news.cgtn.com, chương trình Nghị sự Davos 2021 - một sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng Một trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - tập trung vào việc khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tái xây dựng niềm tin trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với đại dịch thảm khốc nhất trong vòng một thế kỷ qua kéo theo tình trạng suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ cuối Chiến tranh Thế giới II.

Trong suốt quý 3/2020, khi đại dịch phần nào được kiểm soát và xu hướng kinh tế hồi phục trở nên rõ ràng, đã xuất hiện tâm thế lạc quan chung về triển vọng kinh tế thế giới năm 2021.

Tuy nhiên, kể từ quý 4/2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên phạm vi toàn cầu, kéo xu hướng phục hồi kinh tế thế giới đi xuống một lần nữa.

Hiện, chưa thể nhận định bất kỳ điều gì về những triển vọng cho năm 2021.

Dập dịch: Điều kiện tiên quyết

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bị tổn hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khi GDP quý 1/2020 của quốc gia này giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc bắt đầu khôi phục theo chiều hướng bền vững, kết thúc năm 2020 với mức GDP tăng 2,3%, khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế dẫn đầu duy nhất trên thế giới có tăng trưởng dương.

Nhân tố cơ bản dẫn đến kết quả này là do Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội nghiêm ngặt, cùng với việc bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng trên toàn quốc.

Đại dịch được kiểm soát chỉ trong vòng 3-4 tháng. Sau đó, kể từ quý 2/2020, các hoạt động kinh tế nhanh chóng được khôi phục.

Tương tự, trên phạm vi toàn cầu, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng việc khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế và kiểm soát dịch bệnh cần phải được xử lý cùng lúc, song công tác kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quan trọng hơn.

Theo đó, việc cung cấp đầy đủ và phân phối vắcxin một cách công bằng sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài vẫn cần phải áp dụng.

Đoàn chuyên gia WHO tới chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc nhằm tìm hiểu nguồn gốc căn bệnh COVID-19. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Khi một số nước trên thế giới vẫn coi thói quen không đeo khẩu trang, không giãn cách xã hội là vì "tự do cá nhân," thì sẽ vẫn là một chặng đường dài trước khi thế giới có thể trở nên an toàn.

Tất cả các nước trên thế giới cần đồng lòng đoàn kết và hợp tác một cách kiên định để có thể chiến thắng đại dịch.

Khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Hậu quả trực tiếp của đại dịch và tình trạng suy thoái kinh tế đang làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, cả ở trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới.

Các nước có thu nhập thấp bị tổn hại vô cùng nặng nề. Người nghèo là nhóm đối tượng đặc biệt chịu ảnh hưởng do nhà máy, cửa hàng và trường học phải đóng cửa.

Tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đại dịch có thể “đẩy thêm khoảng 88-115 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2020 và tổng con số này có thể lên tới 150 triệu người vào năm 2021.”

Do đó, những nỗ lực và tiến triển trong công tác xóa đói giảm nghèo ở châu Phi trong suốt 10 năm qua đã bị “đổ sông đổ bể” phần nào.

Thậm chí, cả Mỹ cũng chứng kiến sự chênh lệch giàu nghèo tăng mạnh. Vì vậy, tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới sẽ trở nên mất cân bằng và không bền vững.

[Thúc đẩy thương mại khu vực để phục hồi kinh tế toàn cầu]

Các chính sách kinh tế vĩ mô cả trong nước và quốc tế đều cần ưu tiên cứu trợ người nghèo và nhóm người dễ bị ảnh hưởng, bao gồm cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp đến những đối tượng này cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để duy trì và tạo mới công ăn việc làm.

Với sự hỗ trợ vốn của các thể chế quốc tế và sự góp sức của doanh nghiệp tư nhân, chính phủ các nước cần triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng về điện, đường, trường, trạm.

Ngoài ra, nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới cũng phụ thuộc vào sự đổi mới công nghệ và sự đóng góp của các thiết bị công nghệ mới.

Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2020 của WEF, “việc số hóa kinh tế và các kỹ năng số, lưới bảo hộ và sự lành mạnh tài chính, công tác quản trị và lên kế hoạch, cũng như hệ thống sức khỏe và khả năng nghiên cứu” đã đóng góp cho sự phục hồi của các nước trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.

Báo cáo này cũng chứng minh những lợi thế của nền kinh tế số so với các loại hình kinh tế khác.

Mặc dù vậy, nếu như việc đầu tư để đổi mới công nghệ giúp mang lại lợi ích ngắn hạn, việc này có thể khiến nhiều người thất nghiệp hơn và gia tăng chênh lệch về thu nhập.

Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại Quảng Đông, Trung Quốc ngày 24/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các chính quyền ở cấp quốc gia và địa phương cần cân bằng giữa phát triển công nghệ và tạo công ăn việc làm cho người dân, trong đó ưu tiên tạo công ăn việc làm.

Nói cách khác, không nên biến tiến bộ công nghệ chỉ đơn thuần là công cụ để giới nhà giàu trở nên giàu có hơn.

Các quốc gia khác nhau với mức độ phát triển khác nhau cũng cần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Các quốc gia phát triển cần làm nhiều hơn để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp nhiều hơn thông qua sự phối hợp của các tổ chức quốc tế để nền kinh tế thế giới phục hồi theo hướng cân bằng hơn.

Chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc Davos Agenda.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ ra cách thức thoát khỏi những khó khăn hiện tại là “duy trì chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung cho toàn nhân loại.”

Ông kêu gọi từ bỏ các định kiến về tư tưởng và cùng nhau đi theo con đường cùng chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt lịch sử trong một thế giới đang phải đối mặt với kẻ thù chung là đại dịch COVID-19, kéo theo đó là khó khăn chung và suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

[AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất vắcxin mới ngừa biến thể vào mùa Thu]

Tất cả các nước đều gặp khó khăn trong nỗ lực truy tìm nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và những biến thể của chủng virus này do sự chia sẻ thông tin chưa đầy đủ và chưa có sự phối hợp đồng bộ cũng như nỗ lực chung trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Một số chính trị gia phương Tây, mặc dù yếu kém khi xử lý đại dịch đang hoành hành nước mình, song lại ra sức công kích Trung Quốc, thậm chí ép các nước khác "đồng thanh tương ứng" với mình.

Họ tìm cách để phân tách khỏi Trung Quốc chỉ vì sự khác biệt về tư tưởng. Đã đến lúc kết thúc hành động này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là một thay đổi tích cực, song cần được nhìn nhận một cách thận trọng.

Việc khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ khó có thể thành công nếu tất cả các nước không duy trì và ủng hộ hợp tác đa phương.

Nhà máy của hãng xe điện Tesla tại Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Trong năm 2020 đầy khó khăn, Trung Quốc đã nỗ lực để không chỉ đạt tăng trưởng GDP dương mà còn đạt tăng trưởng cả trong lĩnh vực xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngược lại.

Tất cả là nhờ Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt chủ nghĩa đa phương và chính sách cởi mở của mình.

Theo báo cáo đầu tư thế giới mà Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố gần đây nhất, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu giảm 42% vào năm 2020 so với năm 2019, xuống mức được ghi nhận lần cuối vào những năm 1990.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ giảm 49% xuống còn 134 tỷ USD.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại một lần nữa trở thành nền kinh tế dẫn đầu duy nhất trên thế giới chứng kiến tăng trưởng FDI với tổng vốn đổ vào đạt mức 163 tỷ USD, lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành quốc gia tiếp nhận lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới.

Chính phủ Mỹ đã liên tục kêu gọi kết hợp với các quốc gia đồng minh để hình thành một mặt trận chống Trung Quốc, để ban hành luật thương mại thế giới và từ đó trói buộc Trung Quốc.

Đây là một chính sách đơn phương có thể đe dọa tới sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy định và luật lệ quốc tế thay vì tìm kiếm vị thế và quyền lực tối cao của riêng mình.

Ông khẳng định: “Quản trị quốc tế cần dựa trên các luật lệ và sự đồng thuận của các quốc gia, chứ không thể do một hoặc một vài nước thúc đẩy,” đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ không đi theo "chủ nghĩa đa phương có chọn lọc.”

Năm 2021 sẽ là một năm mà chúng ta có thể mong đợi những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các nước trên thế giới cần giải quyết.

Hãy chung tay và cùng chiến đấu với đại dịch để đạt được sự phục hồi kinh tế thế giới bền vững và cân bằng, mang lại lợi ích cho người dân của tất cả các nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục