Bà Merkel lên tiếng sau khi đạt thỏa thuận với SPD về lập chính phủ

Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết chính phủ mới của Đức sẽ nỗ lực hướng tới một "khởi đầu mới" cho châu Âu, sau khi liên đảng CDU/CSU của bà đạt được thỏa thuận "mang tính đột phá" với SPD.
Bà Merkel lên tiếng sau khi đạt thỏa thuận với SPD về lập chính phủ ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời báo giới trước cuộc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh tại Berlin ngày 7/1/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 12/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết chính phủ mới của Đức sẽ nỗ lực hướng tới một "khởi đầu mới" cho châu Âu, sau khi liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà đạt được thỏa thuận "mang tính đột phá" với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh.

Phát biểu sau hơn 24 giờ đàm phán căng thẳng, Thủ tướng Merkel nêu rõ châu Âu cần có một khởi đầu mới, đồng thời nhấn mạnh đây cũng chính là một khởi đầu mới cho nước Đức. Nhà lãnh đạo này cũng bày tỏ hy vọng sẽ đạt được nhất trí với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong vấn đề cải cách Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết các thách thức mà liên minh đang phải đối mặt.

Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo của CDU/CSU và SPD đã đạt được tiến triển "mang tính đột phá" với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ mới trong vài tuần tới. Thỏa thuận này bao gồm một cam kết "hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu".

Việc đạt được thỏa thuận đã phần nào giúp giảm áp lực đối với Thủ tướng Merkel và xóa tan những nghi ngại về tầm ảnh hưởng của "quốc gia đầu tàu châu Âu" này trong các vấn đề quốc tế khi chưa có chính phủ mới.

Việc liên kết trở lại với SPD là sự "đặt cược" tốt nhất đối với Thủ tướng Merkel để thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn là đảng Xanh và là đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại. SPD từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm qua. Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm ngoái, với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, SPD đã tuyên bố trở thành phe đối lập. Tuy nhiên, ban lãnh đạo SPD đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức.

Lãnh đạo SPD Martin Schulz cùng ngày nhận định các cuộc đàm phán với CDU/CSU "kéo dài, khó khăn, sôi nổi và nhiều vấn đề," song cho rằng các bên đã đạt được "kết quả tuyệt vời." Theo ông, các chính khách tham gia đàm phán của SPD đã nhất trí đề nghị giới lãnh đạo đảng ủng hộ dự thảo thỏa thuận để tiến tới khởi động các cuộc đàm phán cuối cùng về thành lập chính phủ liên minh.

Các cuộc đàm phán lần này nếu thành công sẽ giúp nước Đức tránh được nguy cơ tổ chức bầu cử lại hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ phải nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã lên tiếng hoan nghênh việc các đảng CDU/CSU và SPD đạt được một thỏa thuận về thành lập chính phủ, khẳng định kết quả này rất có lợi cho châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.