Sáng ngày 11/10, Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) phối hợp với Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN), Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, công ty Vạn Đắc Phúc đã tổ chức chương trình “Tương tác và khám phá: Ngày hội cùng trẻ tự kỷ” thu hút sự tham gia của 300 trẻ nhỏ, trẻ tự kỷ tại trường Trung học cơ sở chất lượng cao Archimedes.
Một trong những điểm nhấn của chương trình là buổi tọa đàm với sự có mặt của các chuyên gia, tổ chức trong lĩnh vực khuyết tật và tự kỷ như Giáo sư Nguyễn Hoàng Yến, Nguyên phó Viện trưởng Viện Khoa học, Giáo dục Việt Nam; Bà Dương Thị Vân Chủ tịch hội người khuyết tật Hà Nội; Bà Nguyễn Viết Hạnh đại diện mạng lưới người tự kỷ Việt Nam; Tiến sỹ Vũ Song Hà Phó Giám đốc của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số; Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mai, giảng viên bộ môn Nhi đại học Y Khoa Hà Nội; và nữ nhà văn Trang Hạ.
Trong buổi tọa đàm các chuyên gia đã nêu ra một vài vấn đề lớn hiện nay đang gây ra những trở ngại cho các trẻ tự kỷ trong quá trình phát triển. Thứ nhất, đó là những hiểu biết về rối loạn phổ tự kỷ (hay còn gọi là tự kỷ) vẫn còn nhiều hạn chế. Tự kỷ thường bị coi là bệnh và “vấn đề gia đình” hơn là khuyết tật phát triển lâu dài cần sự hỗ trợ của chính phủ.
Thứ hai, trẻ tự kỷ và gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm và hòa nhập xã hội do sự thiếu hụt về dịch vụ, nhận thức của mọi người và kỳ thị, phân biệt đối xử.
Thứ ba là, nhiều cha mẹ chưa nhận biết được các dấu hiệu nguy cơ để có những hành động sớm; sàng lọc phát triển chưa được lồng ghép vào khám định kỳ cho trẻ nhỏ; và các dịch vụ can thiệp dành cho trẻ vừa thiếu vừa vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình.
Cha mẹ hiện đang đóng vai trò quan trọng trong can thiệp và nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động chính sách, mặc dù vậy, những hỗ trợ cho cha mẹ và các tổ chức, mạng lưới của cha mẹ còn hạn chế.
Tự kỷ là một dạng khuyết tật và giống như những người khuyết tật khác, người tự kỷ có thể phát huy được khả năng của mình nếu được hỗ trợ.
Một trong những giải pháp được đưa ra trong chương trình là ứng dụng phần mềm A365 hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc, cán bộ y tế thực hiện sàng lọc phát hiện sớm rối loạn phát triển và rối loạn phổ tự kỷ; cung cấp thông tin; can thiệp sớm tại nhà và hỗ trợ các nghiên cứu viên và những người xây dựng phần mềm hiểu rõ hơn tình trạng hiện tại của trẻ để xây dựng chương trình can thiệp phù hợp.
Bên cạnh buổi tọa đàm, chương trình còn tổ chức rất nhiều các hoạt động vui chơi và biểu diễn văn nghệ dành cho các em nhỏ và trẻ tự kỷ.
Trước sự chứng kiến của rất nhiều các bạn nhỏ, các phụ huynh và chuyên gia phía bên dưới, đội văn nghệ của các em bé tự kỷ vẫn trình diễn rất tự tin và xuất sắc trên sân khấu. Các em luôn nhận được những tràng pháo tay không ngớt cũng như nhiều lời khen tặng từ các “khán giả” cho những tiết mục được chuẩn bị công phu của mình.
Tại khu vực sân chơi, các hoạt động thể chất như đá bóng, làm đồ tái chế hay vượt chướng ngại vật trong nhà hơi cũng thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn nhỏ. Những hoạt động nay giúp trẻ tự kỷ tăng cường sức mạnh cũng như khả năng hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, bên cạnh đó còn đem tới rất nhiều niềm vui cho các em, giúp các bạn nhỏ luyện ý chí và tinh thần bền bỉ để vượt qua những thử thách trong quá trình tham gia trò chơi.
Sự kiện “Tương tác và khám phá: Ngày hội cùng trẻ tự kỷ” được tổ chức không chỉ là sân chơi kết nối, giúp các em tự kỷ hòa nhập hơn với xã hội mà còn nhằm thu hút sự quan tâm, thừa nhận của cộng đồng về trẻ tự kỷ, coi tự kỷ là một dạng khuyết tật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ cũng như khả năng đóng góp người tự kỷ.
Khi sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp, người ta có thể hy vọng những hoạt động tương tự sẽ giúp cải thiện cuộc sống của trẻ tự kỷ và gia đình trẻ và cùng làm xã hội tươi đẹp hơn./.
Một vài hình ảnh khác trong chương trình: