Bà Rịa-Vũng Tàu gia tăng lợi thế để thu hút các nguồn vốn đầu tư

Với nhiều ưu thế nổi trội, năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 2,07 tỷ USD, 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Một góc dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung tại khu vực Cái Mép-Thị Vải. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nằm trong vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phát huy ưu thế, xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Ưu thế nổi trội

Vị trí địa lý ven biển, có cảng biển nước sâu, hạ tầng kỹ thuật, giao thông phát triển thuận lợi, đặc biệt hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư hoàn chỉnh, đem đến cho Bà Rịa-Vũng Tàu rất nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu và quyết định đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong khu vực Đông Nam bộ, vùng có đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, để đáp ứng nhu cầu nhu cầu vận tải, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tương xứng tiềm năng, lợi thế của vùng cần được quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, để đáp ứng nhu cầu nhu cầu vận tải, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tương xứng tiềm năng, lợi thế của vùng cần được quan tâm.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ) kết nối vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cửa khẩu quốc tế, Cảng biển quốc tế Cái Mép-Thị Vải.

Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 trong 5 quy hoạch ngành quốc gia sẽ là cơ hội tốt để tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh trong vùng góp phần hình thành hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh, đồng bộ.

[Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu]

Cũng theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và đường vành đai thuộc khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trong vùng.

Theo ông Lương Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu, các tuyến giao thông kết nối nội vùng như đường vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường 991 B, đường Phước Hòa-Cái Mép từng bước được đầu tư để kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển, tăng sức hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, cảng biển, cảng thủy nội địa và trung tâm logistics của tỉnh.

Cùng với hạ tầng giao thông, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cũng là lợi thế. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển số 4 và được phân loại là cảng biển đặc biệt.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là một trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 214.000 tấn. Đây là cụm cảng trung chuyển quốc tế có tần suất cao nhất trực tiếp đi châu Âu và Bắc Mỹ, vào tốp 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.

Với nhiều ưu thế nổi trội, trong năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng vốn đăng ký đầu tư trong và ngoài nước đạt khoảng 2,07 tỷ USD, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngay tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa diễn ra vào cuối tháng 11, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án đầu tư trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD.

Đó là các dự án lớn như đầu tư mở rộng giai đoạn 2-Tổ hợp hóa dầu miền Nam; sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí; mở rộng nhà máy giấy Marubeni; sản xuất màn hình có độ phân giải cao; Trung tâm kho cảng, bồn bể hóa chất và tiện ích khí gas; khách sạn-căn hộ du lịch 5 sao Fivestar Odyssey; nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)...

Tạo dựng môi trường thuận lợi

Có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kết nối, cảng biển đặc biệt, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách thu hút đầu tư rõ ràng, minh bạch, dựa trên các trụ cột kinh tế của tỉnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu phát triển thành về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh nhất quán chủ trương kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, không thâm dụng lao động đồng thời phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác phát triển.

Một dự án tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Để thực hiện tốt mục tiêu này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và cam kết tạo dựng một môi trường thuận lợi, tích cực nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, là địa phương đầu tiên thực hiện tích hợp chữ ký số trên nền tảng di động vào cổng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Bà Rịa-Vũng Tàu luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong nhiều năm liền, các chỉ số đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, cải cách hành chính cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh, sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính của tỉnh đều được đánh giá và xếp thứ hạng cao trong 63 địa phương của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục