Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, sau 30 năm xây dựng và phát triển (1991-2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã từng bước định hình tỉnh trở thành địa phương mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua đang tạo nền tảng thuận lợi để tỉnh tiếp tục phát triển, là địa phương có quy mô kinh tế lớn trong vùng cũng như cả nước, với mục tiêu cao nhất là phát triển vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Tự hào truyền thống, chung tay xây dựng
Theo tư liệu của Tỉnh ủy, Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nơi đây chính là vành đai xung yếu bao quanh Sài Gòn.
Từ Chi bộ Đảng đầu tiên ở địa phương mang tên Chi bộ Phước Hải - được thành lập vào tháng 2/1934, tại xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ) - quê hương nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công góp phần làm rạng rỡ trang sử kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ.
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, thị xã Vũng Tàu, Long Đất và Xuyên Mộc thuộc địa giới tỉnh Đồng Nai. Ngày 30/5/1979, Quốc hội đã quyết định thành lập đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo - một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương gồm thị xã Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và xã Long Sơn với nhiệm vụ chính là trung tâm dịch vụ cho thăm dò, khai thác dầu khí.
Tiếp đó, ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết chính thức thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thời điểm mới thành lập, Bà Rịa-Vũng Tàu có 5 đơn vị hành chính, gồm thành phố Vũng Tàu và 4 huyện Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất, Côn Đảo. Đến nay, toàn tỉnh có hai thành phố là Vũng Tàu và Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo.
Những ngày đầu mới được thành lập, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Hầu hết các xã nông thôn và một phần đô thị không có điện. Mạng lưới đường giao thông chưa phát triển, hầu hết là đường đất. Một số nhỏ là đường đô thị láng nhựa nhưng đã xuống cấp nặng.
Trường học, bệnh viện, trạm xá không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Trên 50% số xã chưa có điện, đường, trường, trạm y tế hoặc nếu có thì vẫn còn rất tạm bợ. Tính theo chuẩn nghèo thời điểm tỉnh mới được thành lập, tỉ lệ dân số thuộc diện đói và nghèo chiếm 25% dân số toàn tỉnh.
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, phát huy nội lực, tận dụng tiềm năng lợi thế, xác định nhiều giải pháp căn cơ, chắc chắn, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã chung tay đưa địa phương có những bước phát triển vượt bậc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết hiện không gian kinh tế của tỉnh cơ bản định hình thành 4 vùng rõ rệt, gồm: Vùng tập trung phát triển công nghiệp và cảng biển ở phía Tây, dọc Quốc lộ 51 và sông Thị Vải-Cái Mép; vùng tập trung phát triển du lịch, đô thị và dân cư ở khu vực phía Nam và Đông Nam của tỉnh; vùng phát triển nông nghiệp tập trung ở phía Bắc; vùng thềm lục địa và hải đảo là khu vực tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, đồng thời bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Việc quy hoạch này nhằm bố trí hợp lý không gian phát triển kinh tế, tránh được xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của tỉnh, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.
[Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút có chọn lọc để phát triển công nghiệp bền vững]
Sau 30 năm, hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đã vươn lên nằm trong nhóm 10 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện toàn diện. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh chỉ còn 0,45% so với tổng số hộ dân. Từ năm 1996 đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là địa phương luôn tự cân đối được ngân sách, để có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng được xếp vào nhóm địa phương có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ nhất nước, hoàn thành khung kết cấu giao thông. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 3 trục đường được bình chọn tuyến đường đẹp Việt Nam, có tuyến kết nối liên hoàn dải ven biển dài 78 km, góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế biển.
Giải pháp đột phá, nâng tầm phát triển
Trong chặng đường xây dựng, phát triển, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; chú trọng cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và căn cứ vào tình hình thực tiễn, xây dựng nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo triển khai phù hợp, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Phát huy thành quả đã đạt được, trong giai đoạn phát triển mới, những định hướng, mục tiêu căn bản đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; tiếp tục phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh xác định các khâu đột phá là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới; tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời, thực hiện hiệu quả mô hình chuyển đổi số và Đề án đô thị thông minh.
Theo lãnh đạo Bà Rịa-Vũng Tàu, trong bối cảnh cùng với cả nước thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, với quan điểm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Các giải pháp phòng chống dịch dựa trên các cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn và điều kiện địa phương, bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh nhưng không gây ách tắc cho sản xuất và lưu thông.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết: Năm 2021 là năm đầu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, nhưng kết quả tăng trưởng chung của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng.
Một số ngành kinh tế duy trì được đà tăng trưởng, đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: Giá trị công nghiệp tăng hơn 5,4%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hơn 3,5%; doanh thu dịch vụ cảng tăng hơn 24%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ tăng hơn 8,2%, kim ngạch xuất khẩu, trừ dầu khí tăng hơn 15,3%; vốn đầu tư đăng ký mới trong nước và đầu tư nước ngoài tăng cao hơn so với năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 114% dự toán.
Đề cập về phát huy thế mạnh của tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Tấn Cường thông tin, nhiều năm liền, tỉnh luôn nằm trong top các địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tính riêng trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn song với việc cụ thể hóa các chương trình hành động đã đề ra, thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, kịp thời chia sẻ đồng hành với doanh nghiêp, dự kiến trong cả năm, tỉnh thu hút được 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 360 triệu USD, tăng gần 20% so với năm 2020; thu hút thêm 41 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 18.035 tỷ đồng, tăng trên 86,6% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, xác định phát triển hạ tầng giao thông, tăng kết nối liên vùng là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ của địa phương mà cả trong khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Thượng Chí, đối với các tuyến kết nối vùng, tỉnh khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai đầu tư đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh để gia tăng kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thi công hoàn thành các tuyến giao thông nội vùng như Đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép, tuyến Quốc lộ 56-đoạn tránh thành phố Bà Rịa, Tỉnh lộ 328, Tỉnh lộ 329, đường 765, đường Mỹ Xuân-Ngãi Giao-Hòa Bình để kết nối các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện phát triển du lịch, đô thị mới và vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của tỉnh.
Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, những kết quả đạt được đang tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để đến năm 2045 nước ta là nước phát triển, thu nhập cao, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước./.