Bà Rịa-Vũng Tàu: Thu ngân sách 10 tháng vượt kế hoạch năm 2022

10 tháng năm 2022 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, riêng thu từ dầu khí đạt khoảng trên 38.300 tỷ đồng, tăng 102,44% so cùng kỳ năm 2021; thu ngân sách nội địa 38.023 tỷ đồng, tăng 17,62% so cùng kỳ.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Thu ngân sách 10 tháng vượt kế hoạch năm 2022 ảnh 1Thu từ dầu khí tại Bà Rịa-Vũng Tàu đạt trên 38.300 tỷ đồng trong 10 tháng năm 2022, tăng 102,44% so cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết tháng 10/2022 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã vượt kế hoạch năm, đạt hơn 131% dự toán và tăng 31,72% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu từ dầu khí khoảng đạt trên 38.300 tỷ đồng, đạt hơn 231% dự toán, tăng 102,44% so cùng kỳ; thu ngân sách nội địa đạt 38.023 tỷ đồng, đạt 109,71% dự toán, tăng 17,62% so cùng kỳ.

Trong các khoản thu ngân sách, lớn nhất vẫn là thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với gần 15.500 tỷ đồng, tiếp đến là thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương với hơn 5.800 tỷ đồng; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh là hơn 3.900 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân là hơn 3.600 tỷ đồng...

Các lĩnh vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và cao hơn bình quân cả năm gồm: Sản xuất công nghiệp; bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước.

Trong tháng 10, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt tháng 10 ước tăng 25,25% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng ước tăng 10,47% so với cùng kỳ.

Kết quả sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ do xu hướng phục hồi sản xuất chung sau khi Chính phủ triển khai các giải pháp phục hồi thúc đẩy sản xuất. Trong các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao nhất 12,21%, các sản phẩm chủ lực cũng tăng cao và đóng góp lớn vào tăng trưởng như: butan đã được hoá lỏng (LPG), bia lon, ure, điện sản xuất…

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản duy trì tốc độ ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp tháng 10 tăng 3,93%, lũy kế 10 tháng tăng 3,86%, ngư nghiệp tháng 10 tăng 3,22%, lũy kế 10 tháng tăng 3,18%; lâm nghiệp tháng 10 tăng 1,04%, lũy kế 10 tháng tăng 1,06%.

Các hoạt động dịch vụ duy trì đà phục hồi tăng trưởng sau khi cả nước điều chỉnh biện pháp phòng dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ, nhất là các dịch vụ du lịch, thương mại bán lẻ.

[BR-VT: 1.000 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao huyện Châu Đức]

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 10 tăng khoảng 14 lần so với cùng kỳ; luỹ kế 10 tháng tăng 2,8 lần so với cùng kỳ, trong đó riêng dịch vụ lưu trú tăng 2,5 lần, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 122 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10 tăng 4,25%, lũy kế 10 tháng tăng 14,92%...

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm. Tính đến tháng 10, là gần 6.149 tỷ đồng, đạt 43,7% tổng kế hoạch vốn năm 2022.

Giá trị giải ngân vốn năm 2021 kéo dài đến cuối tháng 10/2022 là gần 293 tỷ đồng, đạt 30,95% tổng kế hoạch vốn kéo dài; trong đó vốn ngân sách tỉnh là hơn 219 tỷ đồng, đạt 32,96% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 73,6 tỷ đồng đạt 26,18% kế hoạch.

Theo kế hoạch, năm 2022 bố trí khởi công xây dựng mới 30 dự án. Đến ngày 31/10/2022, đã khởi công 19 dự án; 8 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu và 3 dự án đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để thực hiện đấu thầu và khởi công.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu và khởi công 11 dự án còn lại.

Đồng thời, khẩn trương thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, kiểm toán, lập và trình thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án để tất toán công trình.

Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành, Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để sớm hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng và thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn (không phân biệt chủ đầu tư) để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án.

Đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình đã có đủ mặt bằng thi công. Xử lý, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng. Chỉ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng do các nguyên nhân khách quan và phải kèm các hồ sơ để chứng minh tính khách quan dẫn đến kéo dài thời gian thi công.

Đối với các công trình đang triển khai thi công do còn vướng mặt bằng, chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân bàn giao mặt bằng và kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết khiếu nại có liên quan đến các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.