Nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, với đường bờ biển dài hơn 300km, bãi cát đẹp thoai thoải, nước biển xanh trong, có Côn Đảo gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển thương hiệu du lịch biển đảo.
Từ những lợi thế đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước.
Khẳng định thương hiệu
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn - một trong những lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều biện pháp nhằm tiếp tục khơi dậy tiềm năng du lịch từ biển, đảo.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vị trí cửa ngõ vươn ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện, bãi biển đẹp, khí hậu nhiệt đới, ôn hòa chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh định vị, phát triển thương hiệu du lịch biển đảo với những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, phù hợp nhiều phân khúc du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết nói đến du lịch biển đảo, trên địa bàn tỉnh có điểm đến thành phố biển Vũng Tàu với nhiều danh lam, thắng cảnh biển như bãi Thùy Vân (bãi Sau), bãi Tầm Dương (bãi Trước), bãi Dứa (bãi Lãng Du), mũi Nghinh Phong (cảnh quan trước mặt là biển, sau lưng là núi), Hòn Bà, bãi biển Long Hải (huyện Long Điền), bãi biển Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc), Vườn quốc gia Côn Đảo...
[Tỉnh Cà Mau tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn]
Nhiều di tích lịch sử, văn hóa tại các địa phương ven biển hoặc trên địa bàn huyện đảo Côn Đảo nhiều năm nay đã trở thành điểm đến thu hút du khách như hệ thống nhà tù Côn Đảo, trại Phú Sơn, Nghĩa trang Hàng Dương, Trận địa pháo cổ Vũng Tàu, Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, Dinh Cô...
Từ hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng, độc đáo, du khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu có thể trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá biển như tắm biển, lặn biển, câu cá, ngắm san hô rất hấp dẫn.
Trong hơn 6 năm trở lại đây, với nỗ lực phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó một trong những điểm nhấn quan trọng là sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo, nhiều doanh nghiệp đưa vào khai thác, kinh doanh trên 70 sản phẩm du lịch, tour, tuyến mới, góp phần thu hút du khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ một lần.
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn có nhiều dự án du lịch chất lượng cao, trong đó một số điểm đến gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo đã hình thành, hoạt động hiệu quả, tạo sức thu hút lớn đối với du khách như khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, khu du lịch Cáp treo Hồ Mây, khu du lịch Lan Rừng Resort Phước Hải, khu du lịch Six Senses Côn Đảo, Resort Melia Hồ Tràm... góp phần tăng lượng khách, doanh thu cho ngành Du lịch địa phương.
Trong 10 tháng năm 2022, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, du khách đạt trên 11 triệu lượt, tăng gần 250% so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 11.226 tỷ đồng.
Tạo bước phát triển mới
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt đang mở ra cơ hội, kỳ vọng mang lại bước phát triển mới cho các địa phương thuộc vùng, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, với một trong những ngành kinh tế trọng điểm của địa phương là du lịch.
Bà Rịa-Vũng Tàu được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.
Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Đồng thời, phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Đề cập đến phát triển du lịch, một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định nhằm xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển định vị thương hiệu du lịch của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn, với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp.
Bà Rịa-Vũng Tàu có kế hoạch phục hồi thương hiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh trước đây; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai các dự án du lịch.
Tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa hiệu quả tuyến ven biển và khu vực phụ cận cho phát triển du lịch; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.
Địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du thuyền, kinh tế đêm, thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường biển.
Đề xuất thêm về giải pháp phát triển, nâng tầm sản phẩm du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiến sỹ Vũ Văn Đông, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng phát triển sản phẩm giá trị cao, độc đáo và sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng chính là giải pháp pháp phù hợp.
Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển, đảm bảo lợi thế cạnh tranh, coi đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.
Cùng với đó, tỉnh nâng cao chất lượng các bãi tắm biển, tiếp tục xây dựng bãi tắm kiểu mẫu, tổ chức nhiều sự kiện du lịch, thể thao gắn với biển, hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng và hoạt động phù hợp khác tại bãi tắm.../.