Ba thị trường Đông Bắc Á xếp đầu về mức độ hấp dẫn lao động Việt

Dự báo từ cuối năm nay và sang năm 2017, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc sẽ vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 10 tháng năm 2016, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 98.000 người, gần đạt 100% kế hoạch năm 2016 và tăng 16,98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, việc mở cửa trở lại của thị trường Hàn Quốc đã tác động không nhỏ đến các thị trường xuất khẩu lao động khác.

Phóng viên VietnamPlus đã trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc phát triển các thị trường xuất khẩu lao động trong thời gian tới.

- Thưa ông, Đài Loan (Trung Quốc) luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất và liên tục tăng về số lượng tiếp nhận theo từng năm, tuy nhiên trong 9 tháng vừa qua thị trường này lại sụt giảm 13,83% so với cùng kỳ năm trước, xin ông cho biết nguyên nhân của thực trạng này?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Sự sụt giảm vừa rồi của thị trường Đài Loan có phần ảnh hưởng chính bởi sự "mở cửa" trở lại của thị trường Hàn Quốc.

Vừa qua chúng ta có tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho lao động có nguyện vọng đi Hàn Quốc, nhiều người lao động kỳ vọng có thể đi làm việc tại thị trường này dù Hàn Quốc chỉ có 2.100 chỉ tiêu/21.000 người dự thi. Nhiều người lao động đã học và chuẩn bị đi làm việc ở các nước khác nhưng đã bỏ để học thi tiếng Hàn.

Trong kỳ thi tiếng Hàn vừa rồi, điểm đỗ tiếng Hàn là 152 điểm, chỉ hơn 2.100 thí sinh được 152 điểm trở lên mới được lựa chọn. Vì vậy, kỳ vọng của người lao động với thị trường Hàn Quốc quá lớn dù chỉ tiêu rất hạn hẹp, trong khi đó một số thị trường khác như Nhật Bản hàng năm tiếp nhận từ 30.000-35.000 lao động, Đài Loan là 70.000 lao động.

Người lao động kỳ vọng tham gia vào kỳ thi tiếng Hàn để được sang Hàn Quốc nên cũng không mặn mà với thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, sau kỳ thi tiếng Hàn với danh sách đỗ chỉ 2.100 người thì người lao động cũng sẽ bắt đầu chọn các thị trường xuất khẩu lao động khác.

Người lao động dự kỳ thi tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)


- Nhật Bản cũng là thị trường hấp dẫn với lao động Việt Nam, vậy thị trường này có bị ảnh hưởng bởi việc "mở cửa" trở lại của Hàn Quốc như thị trường Đài Loan không thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Trong thời gian gần đây, thị trường Nhật Bản tuyển lao động đi cũng gặp khó khăn, nguyên nhân chính cũng là do người lao động vẫn thích thú với thị trường Hàn Quốc hơn. Tuy nhiên, thị trưởng Nhật Bản vẫn tăng trưởng đều về số lượng.

Hiện nay, thị trường Nhật Bản người lao động vẫn đi rất tốt. Đặc biệt, Nhật Bản còn mở thêm một số nghề như: Bảo dưỡng hoặc dọn dẹp vệ sinh các tòa nhà cao ốc…đã bắt đầu nhận lao động nước ngoài. Nhật Bản cũng đang xem xét sửa luật để nâng thời gian ở lại làm việc lên 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay.

Cuối năm nay và sang năm 2017, các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc sẽ vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lao động chính.

- Ngoài việc "mở cửa" lại thị trường Hàn Quốc, trong năm vừa qua Thái Lan cũng bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam, việc phát triển thị trường này hiện nay như thế nào thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Đối với Thái Lan, thị trường này mới chỉ nhận lao động xây dựng và đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa đủ hấp dẫn vì có tiền lương thấp hơn các thị trường khác, kể cả Malaysia, Saudi Arabia… và càng hấp hơn so với Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... nên lao động không mặn mà.

Đối với nghề đánh bắt gần bờ mà Thái Lan tiếp nhận lao động, đội tàu cá của Thái Lan không hiện đại, an toàn bằng các thị trường khác và tiền lương cũng thấp hơn. Vì vậy, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng cố gắng tìm kiếm những đơn hàng tốt nhưng quá trình thương thảo về tiền lương chưa đủ để để doanh nghiệp yên tâm tuyển chọn đưa lao động đi.

- Xin ông cho biết, trong thời gian sắp tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch phát triển các thị trường hiện tại và mở thêm các thị trường mới nào?


Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp:
Đối với thị trường cũng thường xuyên tiếp nhận lao động Việt Nam là Saudi Arabia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động Saudi Arabia đã có cuộc họp kỹ thuật đầu tiên tại Hà Nội xem xét lại điều kiện về việc làm, tiền lương, quan hệ lao động… để bảo vệ tốt hơn cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Saudi Arabia. Việt Nam mong muốn thị trường Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có cơ chế tốt hơn tránh rủi ro khi đưa lao động sang đây.

Còn đối với việc mở thêm thị trường thu nhập cao thì hiện nay chúng ta với một số nước như Australia, New Zealand đã có thỏa thuận đưa lao động đi, nhưng chỉ tiêu thấp chỉ vài trăm người. Vừa rồi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đàm phán với các thị trường khác như Isarel, công việc chủ yếu là nông nghiệp và xây dựng với mức lương khá tốt là 750 USD/tháng chưa kể làm thêm giờ.

Tuy nhiên, một trong những điều mà lãnh đạo Israel quan ngại là tình hình lao động bỏ trốn. Trong khi đó, tỷ lệ bỏ trốn của Việt Nam ở Hàn Quốc là 40%, Đài Loan, 17-18%.

Thực tế, câu chuyện bỏ trốn ở nước ngoài ảnh hưởng tới việc đàm phán việc làm thị trường mới. Nếu cứ nhìn vào tỷ lệ bỏ trốn hiện nay của lao động Việt Nam thì khả năng đàmh phán mở rộng thêm các thị trường mới với việc làm tốt, thu nhập cao rất khó khăn và cần thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng này.

- Xin cảm ơn ông!/.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 10 tháng năm 2016, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 98.410 lao động (36.643 lao động nữ), đạt 98,4% kế hoạch năm 2016 và bằng 116,98% so với cùng kỳ năm ngoái.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục