Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 2/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C; thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-17 giờ. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 50-65%.
Thủ đô Hà Nội ngày 2/6 có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-16 giờ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 55-65%.
Từ ngày 3-5/6, khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La và Hòa Bình tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 45-60%. Đến ngày 6/6, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ 19-21 giờ ngày 1/6, các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang tiếp tục có mưa, mưa vừa, mưa to; nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng; trong đó nguy cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong (tỉnh Hòa Bình); Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ); Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên); Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam (tỉnh Bắc Giang).
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trung bình tại các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); các huyện Thanh Thủy, Yên Lập, Tam Nông, Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ); thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên, huyện Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên); các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Cảnh báo độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên từ 18 giờ đến 23 giờ ngày 1/6 tiếp tục có mưa vừa, mưa to; lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi 80mm; nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện: Sơn Hòa, Sông Hinh (tỉnh Phú Yên); Ea Kar, MĐrắk (tỉnh Đắk Lắk); KBang (tỉnh Gia Lai).
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ trung bình tại các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam); các huyện Ba Tơ, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi); huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định); huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên); huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum); các huyện Krông Pắc, Cư Mgar, Krông Bông, Lắk và thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk); huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai); các huyện Cư Jút, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông); các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
[Các khu vực trên cả nước mưa dông, đề phòng thời tiết nguy hiểm]
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, lũ, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu...
Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại./.