Bắc Giang cấp bách bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

Nguồn nước sông Cầu phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội của 6 tỉnh, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Bắc Giang cấp bách bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Việt Hùng/TTXVN)

Nhằm đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và tìm giải pháp cho những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện đề án “Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu,” ngày 27/11 tại thành phố Bắc Giang đã diễn ra phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.

Tham dự phiên họp có đại diện một số cơ quan, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu gồm: Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hải Dương.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu nhiệm kỳ III (2013-2015) cho biết với sự nỗ lực của 6 tỉnh trong lưu vực sông Cầu, sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, các thành viên Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, công tác về bảo vệ môi trường lưu vực sông trong nhiệm kỳ III giai đoạn 2013-2015 đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.

Hơn 60 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực đã được triển khai thực hiện như chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu; mô hình quản lý và xử lý các nguồn thải công nghiệp, khai khoáng; mô hình xử lý môi trường làng nghề; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, xử lý các điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu…

Các tỉnh trong lưu vực đã huy động đa dạng hóa các nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA, xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng cơ sở cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh tăng cường công tác phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể, đồng bộ, trong đó chú trọng việc phối hợp kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông...

Nhiệm kỳ vừa qua, các tỉnh cũng đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng; đã xử lý triệt để 41/52 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng."

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như các tỉnh thuộc lưu vực mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các nhiệm vụ của đề án nhưng các kết quả trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Mặc dù đã triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Cầu nhưng cách thức triển khai thống kê, điều tra và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải, lập bản đồ nguồn ô nhiễm tại mỗi địa phương lại khác nhau dẫn đến việc tổng hợp và đánh giá trên toàn lưu vực khó khăn.

Bên cạnh đó, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa đạt được mục tiêu đề ra, đến nay mới xử lý được 41/52 cơ sở (79%); nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường của một số địa phương còn hạn chế; vai trò của cộng đồng trong việc tham gia công tác bảo vệ môi trường tuy đã chuyển biến nhưng chưa được phát huy mạnh mẽ..

 

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vực có hoạt động phát triển kinh tế-xã hội sôi động nhất hiện nay.

Nguồn nước sông Cầu có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội của 6 tỉnh ở khu vực này. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Cầu ngày càng gia tăng.

Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đối với các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh thuộc lưu sông Cầu.

Theo ông Nguyễn Thái Lai, để đạt được các mục tiêu của đề án, các tỉnh phải coi công tác bảo vệ môi trường là hoạt động quan trọng không thể tách rời trong tiến trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

Ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Cầu chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, các tỉnh cần khẩn trương triển khai kế hoạch, bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý rác thải, chất thải rắn từ khu công nghiệp, khu đô thị; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; thường xuyên nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên lưu vực sông Cầu.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục