Bắc Giang: Cấp mới 43 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu

Các mã vùng trồng vải thiều Bắc Giang được cấp xuất khẩu sang các thị trường như Australia, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, với tổng diện tích trên 1.000ha.
Thu hoạch vườn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp 43 mã số vùng trồng cho vải thiều Bắc Giang.

Các mã vùng trồng vải thiều Bắc Giang được cấp xuất khẩu sang các thị trường như Australia, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, với tổng diện tích trên 1.000ha.

Trong số đó, huyện Tân Yên được cấp 21 mã với diện tích 739,29ha; huyện Yên Thế được cấp 3 mã với diện tích 40,37ha; huyện Lục Ngạn được cấp 18 mã với diện tích 240,35ha và huyện Sơn Động được cấp 1 mã với diện tích 36,1ha.

Như vậy, đến nay Bắc Giang có 221 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu, với tổng diện tích trên 17.700ha (chiếm hơn 50% diện tích); trong đó thị trường Trung Quốc 129 mã (diện tích hơn 16.000ha), còn lại là thị trường Nhật Bản 38 mã, Hoa Kỳ 17 mã, Thái Lan 19 mã và Australia 18 mã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp mã số vùng trồng được xem là "tấm vé thông hành" giúp nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch sang nhiều thị trường thế giới, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

[Vải thiều Bắc Giang đạt mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay]

Thời gian qua, việc sản xuất, chăm bón, thu hoạch vải thiều ở những nơi được cấp mã số vùng trồng luôn được thực hiện đúng quy trình. Nhờ đó, vải thiều được xuất khẩu thuận lợi với giá thành cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm vải thiều Bắc Giang.

Để bảo đảm chất lượng vải thiều ở các vùng được cấp mã số vùng trồng ngay khi kết thúc vụ vải thiều năm 2023, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động nắm bắt quá trình phát triển, diễn biến của sâu bệnh, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, chăm sóc vải thiều.

Hiện diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang là trên 29.700ha. Vụ vải thiều năm nay tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh ước đạt trên 201.600 tấn. Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng (tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022); doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.

Vải thiều Bắc Giang có giá bán ổn định, bình quân giá bán của cả vụ ước đạt 23.100 đồng/kg, cao hơn so với giá bình quân của cả vụ năm ngoái khoảng 2.000 đồng/kg. Đặc biệt, vải thiều của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu ước đạt khoảng gần 111.200 tấn (chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ); sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn (chiếm khoảng gần 44,9%).

Thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang là Trung Quốc (chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu); còn lại vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục