Chiều 7/7, lô vải thiều Bắc Giang tươi đầu tiên do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Thái Lan đã được tập đoàn The Mall giới thiệu với người tiêu dùng Thái Lan tại 7 trung tâm thương mại của tập đoàn này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, mặc dù đã xuất hiện trên thị trường Thái Lan từ một vài năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được một doanh nghiệp Việt Nam chính thức xuất khẩu và đưa vào một hệ thống siêu thị lớn của nước này.
Lô vải thiều Bắc Giang xuất khẩu lần này sẽ được bán tại các siêu thị Gourmet Market, nằm trong 7 trung tâm thương mại lớn của tập đoàn The Mall. Đây là chuỗi siêu thị chuyên bán các loại thực phẩm, đồ ăn và đồ gia dụng hàng đầu ở Thái Lan.
Ông Nguyễn Xuân Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc VIFOCO - cho biết với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, VIFOCO rất vui mừng là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa quả vải thiều tươi đến với người tiêu dùng Thái Lan. Đặc biệt vải thiều của Bắc Giang đã có mặt trên kệ hàng của một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Thái Lan hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Việt bày tỏ hy vọng trong năm tới VIFOCO sẽ xuất khẩu được từ 1.000-2.000 tấn vải tươi sang thị trường Thái Lan.
Những trái vải tươi từ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách mua sắm tại Trung tâm thương mại Siam Paragon.
[Vải tươi Việt được đấu giá lên tới 53 triệu đồng một kg ở Australia]
Ông Thitikorn - một khách hàng sống tại thủ đô Bangkok - nhận xét: “Tôi thấy vải Việt Nam có màu sắc khác biệt một chút so với vải Thái Lan và Trung Quốc, nhưng cùi dày, nhiều nước và ngọt hơn. Giá cả cũng phù hợp. Nên tôi nghĩ là vải Việt Nam sẽ được người Thái ưa chuộng.”
Trong khi đó, bà Somsri Somta cùng hai con gái cho biết đây là lần đầu tiên họ nếm thử vải Việt Nam và thấy rằng quả vải không chỉ thơm ngon, ngọt và mọng nước mà còn dễ tách hạt.
Ông Somkiat Wongsakulchai - Giám đốc điều hành công ty Ekthai, đơn vị phân phối vải thiều Bắc Giang tại Thái Lan - cũng đánh giá cao chất lượng của quả vải Việt Nam.
“Vải Việt Nam có vị ngon hơn vải của Thái Lan và Trung Quốc. Quả vải có màu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán quả vải Việt Nam tại 7 cửa hàng thuộc tập đoàn The Mall ở Bangkok và sẽ mở rộng ra tất cả các chi nhánh trong năm tới. Cũng trong năm tới, ngoài quả vải, chúng tôi cũng sẽ nhập xoài Việt Nam vào Thái Lan. Tôi nghĩ rằng trong năm nay người Thái sẽ quan tâm nhiều tới quả vải của Việt Nam,” ông Somkiat Wongsakulchai cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Huy - Phụ trách cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan - khẳng định Thái Lan là một thị trường tiềm năng đối với vải Việt Nam.
Ông nói: “Sự đóng góp của các doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, cũng như giúp cho trái vải Việt Nam đến được với thị trường Thái Lan. Mặc dù Thái Lan được coi là thủ phủ trái cây của khu vực nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để khám phá."
Theo ông Nguyễn Thành Huy, ngoài những yếu tố cần là về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới yếu tố mùa vụ. Ví dụ như thời điểm tháng 7, khi sản lượng vải của trong nước và vải của Trung Quốc nhập khẩu sụt giảm thì đây chính là cơ hội lớn để đưa trái vải Việt Nam vào thị trường Thái Lan. Đây sẽ là chìa khóa giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Thái Lan, không chỉ có trái vải mà còn rất nhiều các mặt hàng nông sản khác.
Ông Nguyễn Thành Huy cũng cho biết Thái Lan hiện chỉ cấp phép nhập khẩu 4 loại trái cây từ Việt Nam. Tuy nhiên, biên độ thị trường của 4 loại trái này không chỉ dừng lại ở những loại sản phẩm tươi, mà còn cả những sản phẩm đã qua chế biến.
Ngành Công nghiệp Thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng có sự phát triển vượt bậc và chính điều sẽ đó là động lực thúc đẩy cho các sản phẩm chế biến của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa tại thị trường Thái Lan nói riêng, cũng như thế giới nói chung.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Việt, các nước nhập khẩu luôn có “rào cản kỹ thuật” để bảo hộ cho cây nông sản tại đất nước họ. Chính vì vậy, chính quyền và các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đều có sự chuẩn bị, đã cam kết làm các mã vùng trồng riêng để xuất khẩu vải thiều Bắc Giang.
Qua tiếp xúc thực tế, ông Nguyễn Xuân Việt cũng nhận thấy rằng ngoài trái vải tươi, thị trường Thái Lan rất quan tâm đến các sản phẩm chế biến từ trái vải.
Ông chia sẻ: “Tôi rất mong muốn và hy vọng các doanh nghiệp Bắc Giang, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực sản xuất ra nhiều sản phẩm từ quả vải thiều để xuất sang thị trường Thái Lan”./.