Sau sự việc cháu bé 3 tuổi trường mầm non tư thục Đồ Rê Mí bị bỏ quên 7 tiếng trên xe ôtô vào ngày 13/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt quy trình đưa đón nhằm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc đưa, đón trẻ hàng ngày bằng phương tiện ôtô, trong đó có 12 trường mầm non và 13 cơ sở mầm non độc lập, tư thục.
Bà Lương Thị Biển, Trưởng phòng Giáo dục mầm non tỉnh Bắc Ninh cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế, một số phụ huynh học sinh do điều kiện công việc nên không có thời gian đưa đón trẻ.
Vì vậy, việc đưa đón trẻ tại nhà được thực hiện ở một số cơ sở giáo dục mầm non chủ yếu bằng hình thức cha mẹ tự chủ động thuê xe đưa đón trẻ và cơ sở giáo dục mầm non có phương tiện, phối hợp với phụ huynh đưa đón trẻ.
[Sức khoẻ của trẻ bị bỏ quên trên xe ở Bắc Ninh đã ổn định]
Theo bà Biển, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Ủy ban Nhân dântỉnh Bắc Ninh phối hợp và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn cho trẻ, học sinh.
Đồng thời, Sở phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên từ cấp tỉnh, huyện đến các cơ sở giáo dục để đảm bảo an ninh, an toàn giao thông trường học.Trường mầm non xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, hiện có hơn 700 cháu, trong đó có 153 cháu đến lớp và về nhà bằng phương tiện ôtô.
Cô Nguyễn Thị Trà, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tân Chi cho biết, việc đưa đón trẻ tại nhà ở Trường mầm non xã Tân Chi được thực hiện dưới hình thức cha mẹ tự chủ động thuê xe đưa đón trẻ hàng ngày.
Nhận thức rõ trách nhiệm nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã yêu cầu các nhà xe mang các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện và người điều khiển xe để nhà trường kiểm tra. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức gặp mặt các nhà xe để thống nhất các nội dung trong công tác phối hợp đưa đón học sinh, sau đó, nhà trường sẽ thông báo đến phụ huynh học sinh lựa chọn nhà xe phù hợp để đưa đón con em mình.
Theo cô Nguyễn Thị Trà, hiện có 3 có xe ôtô đưa đón học sinh tại nhà, trong đó có 2 xe loại 29 chỗ và 1 xe loại 16 chỗ. “Khi xe ôtô đưa học sinh đến trường, chúng tôi sẽ phân công giáo viên phụ trách lớp đứng ngoài cổng trường để dẫn các cháu lên lớp. Sau đó, nhà xe sẽ lên cùng với giáo viên từng lớp để kiểm tra và ký vào sổ giao nhận để đảm bảo đúng số lượng, danh sách giao nhận trẻ,” cô Trà cho biết thêm.
Trường mầm non Phương Nga, thành phố Bắc Ninh, được thành lập vào năm 2016, hiện có 270 trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi. Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh trong việc đưa đón trẻ, đầu tháng 9/2019, nhà trường đã tổ chức đưa đón trẻ bằng 2 xe ôtô loại 16 chỗ.
Cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường mầm non Phương Nga cho biết, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh không có thời gian đưa đón các cháu và có đề nghị, nên nhà trường tổ chức đưa đón các cháu bằng phương tiện xe ôtô. Hiện có 26 cháu đến lớp bằng phương tiện ôtô đưa đón của nhà trường.
Hợp đồng đưa đón được nhà trường và phụ huynh thống nhất với mức 500.000 đồng/trẻ đối với trẻ ở xa và 400.000 đồng/trẻ đối với trẻ ở gần.“Buổi sáng, chúng tôi yêu cầu người điều khiển hai xe ôtô đưa đón các cháu phải kiểm tra kỹ phương tiện trước khi xe xuất phát. Trên xe sẽ có một giáo viên của nhà trường đi cùng để đón các cháu. Khi xe đón các cháu đến trường, giáo viên đứng lớp sẽ ra nhận học sinh của mình, đồng thời ký vào biên bản giao nhận với giáo viên đưa đón,” cô Bình cho biết thêm.
Theo cô Bình, sau sự việc cháu bé 3 tuổi bỏ quên trên xe ôtô tại Cơ sở mầm non tư thục độc lập Đồ Rê Mí vào chiều 17/9, các phụ huynh có con được đưa đón tại nhà đã đề nghị nhà trường tạm ngừng dịch vụ đưa đón trẻ bằng xe ôtô. Khi phụ huynh học sinh có nhu cầu, nhà trường mới triển khai lại dịch vụ này.
Chia sẻ về công việc đưa đón trẻ hàng ngày, cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên đưa đón trẻ tại Trường mầm non Phương Nga cho biết, hàng ngày cô có mặt sớm tại trường để cùng tài xế xe đến các điểm nhận trẻ lên lớp. Ở mỗi điểm nhận trẻ, giáo viên đưa đón và phụ huynh sẽ ký vào sổ giao nhận trẻ.
"Đi trên đường, tôi luôn nhắc nhở bác tài đi cẩn thận để đảm bảo an toàn cho các cháu. Khi đến trường, tôi sẽ bàn giao trẻ và ký vào sổ giao nhận với giáo viên đứng lớp. Sau khi giao nhận, tôi sẽ kiểm tra xe lại một lần nữa xem có trẻ ngủ quên hoặc rơi đồ dùng cá nhân, túi xách trên xe hay không,” cô Giang tâm sự.
Theo Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Lương Thị Biển, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc đưa đón trẻ bằng phương tiện ôtô còn gặp nhiều khó khăn, bởi hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn đồng bộ về quy trình tiêu chuẩn đưa đón trẻ tại nhà. Bên cạnh đó, trẻ không cùng một địa bàn nên việc đưa đón mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
"Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dântỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đảm bảo an toàn, an ninh trường học, đặc biệt là việc đưa đón trẻ an toàn. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng và toàn xã hội nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát toàn bộ các phương tiện đưa đón trẻ tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa đón trẻ. Đồng thời, Sở tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành về việc hướng dẫn đưa đón trẻ đảm bảo an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các sở giáo dục," bà Lương Thị Biển chia sẻ./.