Phục hồi sau hạn, mặn vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Bài cuối)

Bài 2: Chuyển đổi thích ứng để sống chung với hạn mặn

Tuy mùa khô năm 2024 diễn biến phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhưng không gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nhờ chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa với những giải pháp hiệu quả.
Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, dùng rơm rạ tủ gốc giữ ẩm cho vườn thanh long. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và khó lường. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, ngoài những giải pháp của cơ quan chức năng chủ động thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn từ sớm, từ xa thì mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hình thành tư duy ứng phó, thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt.

Chuyển đổi thích ứng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trong năm 2023, toàn tỉnh có gần 8.300ha chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng hàng năm và cây ăn quả; trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm là gần 7.600ha và chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 656ha.

Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả khá tích cực, giúp người nông dân thu lợi nhuận cao hơn so với trước, như trồng dưa hấu mang lại lợi nhuận từ 70-150 triệu đồng/ha mỗi vụ; trồng cây khoai mỡ lợi nhuận từ 40-60 triệu đồng/ha; cây chanh lợi nhuận từ 60-100 triệu đồng/ha; cây mít lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Ngọc Tấn Đạt (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, Long An) cho biết gia đình đã mạnh dạn chuyển gần 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.

Mỗi năm có thể trồng từ 3-4 vụ rau màu như bầu, bí, đậu bắp, ớt,... cho lợi nhuận trung bình mỗi vụ từ 20-30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, tuy mùa khô năm 2024 diễn biến phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhưng không gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nhờ địa phương chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa với những giải pháp hiệu quả, phù hợp từng vùng sản xuất.

Tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh Tiền Giang, rút kinh nghiệm những năm trước, địa phương chủ động không sản xuất vụ Thu Đông 2023, các địa phương tổ chức phương án lấy ngọt trữ trong nội đồng qua cống đầu mối Xuân Hòa ngay từ đầu mùa khô 2023-2024, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng tại những địa bàn khó khăn nhằm đảm bảo vụ lúa Đông Xuân ăn chắc, giảm nhẹ thiên tai.

Người dân bơm chuyền nước từ kênh trục chính vào các kênh nội đồng. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Tại vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang tập trung ở huyện Chợ Gạo với 6.870 ha thanh long với diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm, người dân đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó hạn hán có hiệu quả.

Để thích ứng hạn, mặn năm nay, người dân địa phương đã thực hiện các giải pháp tích trữ và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, thực hiện tưới nước tiết kiệm trên cây thanh long, cây dừa; ưu tiên nước tưới cho những vườn thanh long đang có trái chuẩn bị thu hoạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, để những vùng nguyên liệu trọng điểm phát triển hiệu quả, các địa phương tỉnh Bến Tre đã tích cực triển khai biện pháp công trình, phi công trình chủ động ứng phó ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết thủy lợi đủ nước cung ứng cho sản xuất.

Các nhà vườn cũng chủ động đào ao trữ nước, ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm để làm mát cho cây.

Bên cạnh đó, một số vùng sản xuất cây ăn quả đã chuyển đổi "né" mặn mang lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử như một số vùng trồng sầu riêng tại huyện Chợ Lách, Châu Thành, nông dân sử dụng kỹ thuật xử lý cho quả sớm trước khi nước mặn xâm nhập, vừa bán dược giá cao, vừa bảo vệ được vườn cây.

Khi mưa xuống, nông dân tập trung các giải pháp để phục hồi giúp cây phát triển nhanh hơn cho trái vào mùa thuận.

Ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết hạn chế ảnh hưởng hạn mặn đến hoạt động sản xuất, ngành chức năng địa phương khuyến cáo nông dân dành 10-20% diện tích để đào ao trải bạt, xử lý trữ ngọt, ngoài ra tưới tiết kiệm, dùng các biện pháp xử lý sinh học phun qua lá để cây khỏe mạnh, có năng suất, chất lượng, đảm bảo mùa vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, khuyến cáo sản xuất rải vụ, những vùng điều kiện không tốt thì không sản xuất lúc cho ra hoa ra trái tập trung vào hạn mặn mà xử lý nghịch sau đó để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp quanh năm.

Chủ động ứng phó lâu dài

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết ngành chức năng đang khuyến khích và hướng dẫn người dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Nông dân tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới tiêu để ứng phó hạn, mặn. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Đặc biệt, đối với sản xuất lúa, Long An tập trung nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn); tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác hiện đại, hiệu quả cao như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng,” kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm,” quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),...

Khuyến cáo nhân dân sử dụng các giống lúa xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 80-100 kg/ha, sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để đảm bảo đủ nước tưới.

Bên cạnh nguồn nước phục vụ sản xuất, Long An cũng tập trung nhiều giải pháp để giải quyết bài toán khó về nguồn nước sạch; trong đó, tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn về nguồn nước ở vùng hạ các huyện Cần Giuộc, Cần Đước.

Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân; góp phần đưa tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 99,88%, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 75,2% vào cuối năm 2024.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống đê bao ngăn mặn và triều cường cho từng tiểu vùng sản xuất, không để ảnh hưởng đến trà lúa, chủ động ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, dẫn nước tưới tiêu.

Các địa phương vùng phía Đông khẩn trương nạo vét 70 tuyến kênh rạch nội đồng có tổng chiều dài trên 143.000m, khối lượng đất đào đắp gần 4,2 triệu m3 đất với kinh phí khoảng 23 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết để ứng phó với tình hình hạn, mặn xâm nhập, tỉnh Tiền Giang đầu tư 580,4 tỷ đồng làm 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền, đồng thời Trung ương hỗ trợ đầu tư 582 tỷ đồng làm cống âu Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành.

Tấm chắn của cống Nguyễn Tấn Thành được kéo lên để lấy nước ngọt. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Ngoài ra, các huyện, thị còn đầu tư 20,5 tỷ đồng nạo vét 144 tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất.

Các công trình thủy lợi kể trên đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản phía Tây.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xử lý rải vụ trên 4.750ha cây ăn trái những địa bàn khó khăn nhằm hạn chế tình trạng cây mang trái lại bị ảnh hưởng thiên tai, sẽ suy kiệt và thiệt hại.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, nông sản thường gắn liền với mùa vụ. Khi thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu, tình trạng khan hàng, sốt giá càng là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp xuất khẩu.

Để hạn chế những rủi ro này về lâu dài, thì liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu càng cần phải được chú trọng. Không chỉ liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, mà doanh nghiệp còn xắn tay, cùng nông dân tăng cường kỹ thuật, hiệu quả canh tác, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Hiện tỉnh Bến Tre đang tập trung, kêu gọi hướng dẫn người dân làm theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo nguồn cung nông sản xuất khẩu, nhất là sản phẩm trái cây đặc sản riêng có của tỉnh Bến Tre.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, các giải pháp công trình ứng phó hạn mặn tại Bến Tre thời gian qua đã phát huy hiệu quả, người dân Bến Tre đã có kinh nghiệm trong cách ứng phó.

Tuy nhiên, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, ngoài những giải pháp của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hình thành tư duy ứng phó, thích ứng với những tác động của hạn, mặn.

Do đó, ngành chức năng tỉnh Bến Tre luôn khuyến cáo người dân chủ động ứng phó ngay từ mùa mưa đến và luôn phải thích ứng, sống chung với hạn mặn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, ngành cũng tích cực phối hợp các địa phương vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác; khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Bài 1: Nỗi lo sau hạn mặn: Cần giải pháp hiệu quả mang tính bền vững lâu dài

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục