Sau thời gian hạn mặn gây ảnh hưởng đến vườn cây ăn quả, hiện nay, mùa mưa đang bắt đầu, nhà vườn tại Bến Tre đang tập trung các biện pháp chăm sóc vườn cây.
Qua đó, giúp cây nhanh chóng phục hồi, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt cho trái hiệu quả vào vụ trái tiếp theo.
Mùa mưa đang bắt đầu cũng là lúc ông Bùi Văn Chiến, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, Bến Tre tập trung cao độ các giải pháp để giúp vườn sầu riêng 5.000m2 của gia đình được phục hồi.
Ông Chiến cho hay đợt hạn mặn vừa qua ảnh hưởng lớn đến vườn sầu riêng của gia đình. Do cây đang mang trái trong mùa khô hạn kết hợp nước mặn xâm nhập, mặc dù chuẩn bị phương án trữ nước tưới, tuy nhiên vườn sầu riêng cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Chiến, trong thời điểm hạn mặn để cây sầu riêng không bị suy kiệt, ông buộc phải cắt bỏ bớt trái, năng suất chỉ còn 50%. Bên cạnh đó, do hạn mặn kéo dài nhiều cây sầu riêng bị xuống sức.
Ông Chiến chia sẻ nhà vườn phải có giải pháp nhanh chóng phục hồi khi mưa xuống, nếu không cây sẽ suy kiệt rồi chết dần. Hiện tại, ông Chiến tập trung các giải pháp như xới đất, rải phân hữu cơ… giúp bộ rễ cây phát triển trở lại, tập trung dinh dưỡng giúp cây phục hồi, chi phí ước tính hơn 100 triệu đồng.
Mặc dù tốn rất nhiều chi phí nhưng vườn sầu riêng giá trị kinh tế rất cao nên người dân đầu tư, chăm sóc rất kỹ để mong cây sớm phục hồi, tiếp tục cho quả ở vụ kế tiếp.
Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm chia sẻ cây dừa là cây có khả năng chống chịu hạn mặn bậc nhất tại Bến Tre. Tuy nhiên do khô hạn kéo dài kết hợp độ mặn tăng cao, vườn dừa xiêm xanh với diện tích 1 ha của gia đình vẫn bị ảnh hưởng.
Ông Tâm lý giải thời điểm hạn mặn thiếu nước ngọt để tưới, cây dừa hấp thụ nước mặn trái dừa nhỏ lại, chất lượng trái không đảm bảo. Hiện ông Tâm đang tập trung tưới nước, bón phân hữu cơ, phòng trừ sâu hại giúp cây dừa phục hồi dinh dưỡng để nuôi trái.
Theo ông Tâm sau hạn mặn với các giải pháp quyết liệt vườn dừa sau 3-4 tháng mới đạt năng suất chất lượng như trước đây.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, hiện tại toàn tỉnh có hơn 79.000ha dừa, hơn 24.000ha cây ăn quả...
Sau đợt hạn mặn, ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp phục hồi vườn dừa, vườn cây ăn quả như dừa, sầu riêng, bưởi da xanh, ca cao, chanh…
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi chung cho từng vùng sản xuất, kết hợp giải pháp về thị trường đầu ra cho sản phẩm, khi đó sản xuất mang lại giá trị bền vững hơn.
Theo ông Đức, thời gian qua một số vùng sản xuất cây ăn quả đã chuyển đổi "né" mặn mang lại hiệu quả thiết thực.
Đơn cử như một số vùng trồng sầu riêng tại huyện Chợ Lách, Châu Thành, nông dân sử dụng kỹ thuật xử lý cho quả sớm trước khi nước mặn xâm nhập, vừa bán được giá cao, vừa bảo vệ được vườn cây. Khi mưa xuống, nông dân tập trung các giải pháp để phục hồi giúp cây phát triển nhanh hơn cho trái vào mùa thuận.
Ông Huỳnh Quang Đức chia sẻ tận dụng lợi thế giải pháp công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất kết hợp giải pháp phi công trình các nhà vườn đã dần chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Cùng với đó, ngành chức năng kêu gọi nông dân tham gia liên kết tổ chức sản xuất để giải quyết bài toán thị trường, giúp sản xuất mang lại hiệu quả bền vững hơn trong thời gian tới./.
Tiền Giang: Thu hoạch lúa và rau màu thắng lợi nhờ chủ động ứng phó hạn mặn
Mùa khô diễn biến phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhưng không gây nhiều thiệt hại cho sản xuất ở Tiền Giang do địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa.