Thanh long ở huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện được thương lái thu mua tại vựa với giá 40.000 đồng/kg (loại I), 35.000 đồng (loại II), 30.000 đồng/kg (loại III), 25.000 đồng/kg (loại IV).
Nhà vườn cho biết giá thanh long hiện nay đang cao vì đang vào mùa nghịch, hầu hết các vườn đang vào đợt xử lý ra hoa trái vụ nên nguồn cung thấp hơn cầu. Hơn nữa, đang vào mùa hạn mặn, một số diện tích trồng thanh long ở các các huyện nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công đang bị thiếu hụt nguồn nước tưới tiêu nên không xử lý nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Được xem là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.700ha thanh long, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Trong số đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa khô 2023-2024, các hộ nông dân ở vùng chuyên canh trồng thanh long của huyện Chợ Gao đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo có nguồn nước tưới cho vườn thanh long, đặc biệt đối với những vườn thanh long vừa xử lý ra hoa mùa nghịch hoặc đang có trái chuẩn bị thu hoạch.
Đối với các xã thuộc dự án sông Bảo Định, phía Tây kênh Chợ Gạo như Qươn Long, Tân Thuận Bình… thì nguồn nước tưới tiêu đến thời điểm này được đảm bảo, lượng nước ở các con kênh, mương nội đồng dẫn nước phục vụ tưới tiêu vườn thanh long còn tương đối dồi dào.
Ông Đỗ Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết là xã chuyên canh thanh long của huyện, xã Quơn Long có 1.042ha thanh long đang cho trái, trong đó có khoảng 20% diện tích đang được xử lý ra hoa mùa nghịch.
Đến thời điểm này, nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu ở hệ thống kênh, mương trên địa bàn xã tương đối được đảm bảo. Với giá thanh long ở thời điểm hiện nay, người trồng có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân xã tuyên truyền người dân không được chủ quan, vận động người dân nạo vét các tuyến kinh nội đồng, nhằm trữ nước ngọt, áp dụng biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để đảm bảo nước ngọt sản xuất trong mùa khô.
Còn những xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan, Bình Ninh… của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thuộc dự án ngọt hóa Gò Công đang gặp khó khăn vì nguồn nước phục vụ tưới tiêu đã cạn kiệt do cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) chưa mở để lấy nước ngọt do độ mặn trên sông Tiền vẫn còn cao.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân các xã tổ chức cho người dân bơm gạn nước từ các kênh chính vào kênh nội đồng để tưới tiêu và khuyến cáo hạn chế xử lý ra hoa trái vụ đối với các diện tích thanh long có nguy cơ bị thiếu nước tưới tiêu.
Đối với những hộ dân đã có khoan giếng từ những năm trước để lấy nước phục vụ tưới tiêu, chính quyền các xã trên địa bàn huyện khuyến cáo nông dân nên tiết kiệm nước, áp dụng các biện pháp phủ gốc thanh long bằng rơm, lục bình để giữ độ ẩm, đồng thời chia sẻ nước tưới cho các chủ vườn thanh long lân cận.
Anh Võ Thanh Phong, ấp Bình Thọ 2, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang nhờ nguồn nước chia sẻ từ giếng khoan của hộ lân cận nên đủ nước tưới cho diện tích 3.000m2 thanh long trong mùa khô năm nay. Với giá bán 25.000 đồng/kg, anh Phong vừa bán được 3 tấn thanh long vào cuối tuần qua với lợi nhuận thu được khoảng 40 triệu đồng.
Hiện nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của hạn mặn, cùng với chính quyền địa phương, người dân ở vùng chuyên canh thanh long của tỉnh Tiền Giang tích cực chủ động triển khai các biện pháp thích hợp để thích ứng, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, bảo vệ sản xuất./.
Tiền Giang: Kết nối thị trường cho trái thanh long xuất khẩu
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện ven biển Gò Công Đông đã chuyển trên 100ha đất ven biển sang trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao.