Hạn mặn khốc liệt ở Nam Bộ: Chủ động thích ứng

Bài 2: Hành động khẩn cấp từ địa phương

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới, có nguy cơ gây thiếu nước ngọt cho gần 40.000ha lúa và khoảng 43.300ha vùng chuyên canh cây ăn trái.
Tận dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh chuẩn bị trồng lúa cho vụ Đông Xuân. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Bài 2: Hành động khẩn cấp để đối phó với thiên tai

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng khiến nhiều địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng phải có những hành động khẩn trương ứng phó, khắc phục diễn biến phức tạp của thiên tai.

Ứng phó kịp thời

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60-85% vào thời kỳ tháng 3-5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023-2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2024, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Căn cứ vào thông tin dự báo, cảnh báo, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã có biện pháp chủ động, khẩn cấp ứng phó với xâm nhập mặn.

Tại tỉnh Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng, ngày 5/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ký Quyết định số 556/QĐ-UBND về việc công bố tình huống thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Các cơ quan chức năng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để người dân, các tổ chức biết và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt; đặc biệt là hỗ trợ nhân dân tháo gỡ khó khăn về nước sinh hoạt.

Huyện Tân Phú Đông đã trữ được gần 101.000m3 nước ngọt tại ao phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang xây dựng và triển khai phương án dùng sà lan vận chuyển nước ngọt từ phía thượng lưu sông Tiền về trữ trong hai ao chứa ở huyện cù lao Tân Phú Đông có tổng dung tích 182.000m3 nhằm cung cấp nước ngọt phục vụ nhân dân.

Công trình cầu máng dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361km qua ống thép để đưa nước tưới cho cư dân 2 huyện biên giới tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Để hỗ trợ người dân có nguồn nước phục vụ sản xuất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức.

Có thể kể đến việc tận dụng dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực và nhiều biện pháp khác để đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Tỉnh Bến Tre cũng ban hành hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong điều kiện hạn mặn.

Các đơn vị nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân đổi lịch thời vụ trước 1 tháng để né mặn, an toàn trong sản xuất.

Tại xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong các ngày từ 4-11/3 đã ghi nhận đợt mặn với nồng độ cao từ 3-7 ‰ và sau đó giảm dần, hiện duy trì ở mức cao gần 5‰.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của xâm nhập mặn, chính quyền địa phương đã tập trung vận hành hiệu quả hệ thống cống ngăn mặn, tranh thủ lấy nước ngọt dự trữ để phục vụ sản xuất của người dân.

Trên các trang mạng xã hội, các nhóm thông tin về phòng, chống hạn mặn và hệ thống truyền thanh của địa phương cập nhật liên tục thông báo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thanh Bình về tình hình và những khuyến cáo cụ thể, phù hợp với từng mức độ để người dân có phương án ứng phó.

Điển hình, trong đợt mặn cao điểm kéo dài vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã đề nghị người dân đóng tất cả mặt cống trên phần đất của mình; khuyến cáo không bơm nước trực tiếp từ dưới sông, rạch lên để tưới cây trồng; kiểm tra nguồn nước trước khi tưới; thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống truyền thanh của xã, huyện để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Dự án có tổng chiều 117,8 km, cung cấp nước tưới cho gần 17.000ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Qua tuyên truyền, kết hợp kinh nghiệm của người dân về phòng, chống hạn mặn trong những năm qua, công tác ứng phó xâm nhập mặn được người dân triển khai chủ động và tích cực.

Hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn xã đã tự trang bị máy đo độ mặn, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, đồng thời tận dụng hoặc bố trí công cụ trữ nước ngọt để có thể phục vụ tưới tiêu từ 10-15 ngày khi độ mặn lên cao.

Đối với tình hình sụt lún đất, sạt lở đất do hạn hán tại nhiều địa phương như Kiên Giang, Cà Mau, hiện các địa phương đã có nhiều giải pháp chỉ đạo hạn chế tình trạng này như thông báo giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển; tổ chức cắm biển cảnh báo và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh sạt lở, sụt lún ở những khu vực nguy hiểm.

Kinh nghiệm “né hạn chống mặn”

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở khu vực đã phát động phong trào trữ nước mưa, tích nước từ các hệ thống sông vào kênh mương nội đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với xâm nhập mặn.

Ngay từ giữa năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động tích trữ nước trên mương, vườn, ao…các mô hình đã áp dụng trong thời gian qua.

Đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tưới nhỏ giọt, phun sương tiết kiệm nước nhưng vẫn đảm bảo độ ẩm cho cây; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật ứng phó trước, trong và sau mùa khô.

Tỉnh nhân rộng những mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả; tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước...; theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn, xâm nhập mặn để kịp thời thời ứng phó, sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích...

Tỉnh Bến Tre ban hành hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong điều kiện hạn mặn. Các đơn vị nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân chuyển lịch thời vụ trước 1 tháng để né mặn, an toàn trong sản xuất.

Tại huyện Ba Tri (Bến Tre), Ủy ban Nhân dân huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; duy tu, sửa chữa các cống lấy nước..., đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hay tại huyện Chợ Lách đã trữ nước theo các hệ thống thủy lợi toàn huyện và kênh mương nội đồng của từng ấp, xã để phục vụ sản xuất.

Mùa hạn mặn năm nay, nhiều người dân tỉnh Vĩnh Long cũng đã có những kinh nghiệm hay trong phòng tránh xâm nhập mặn.

Những ngày qua, ông Phẩm Văn Tiếu (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) đều đặn cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để chủ động trong việc tưới nước cho vườn sầu riêng.

Nhờ có nguồn nước từ Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nông dân xã Hảo Đước, huyện Châu Thành chuẩn bị xuống giống. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Rút kinh nghiệm từ đợt mặn lịch sử mùa khô 2015-2016 khiến vườn cây ăn trái của gia đình bị thiệt hại, mấy năm nay ông luôn quan tâm cải tạo ao vườn, thường xuyên kiểm tra cống, xây dựng hệ thống trữ nước ngọt để dự trữ nguồn nước tưới riêng, đảm bảo an toàn cho vườn sầu riêng đang rộ trái.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Bình Nguyễn Văn Chung, toàn xã hiện có trên 1.187ha cây ăn trái với hai loại cây trồng chủ lực là sầu riêng và bưởi.

Xác định địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao bởi xâm nhập mặn gay gắt, từ đầu mùa khô năm 2023-2024, xã đã sớm hoàn tất việc nạo vét các kênh rạch, sửa chữa, bảo vệ các mặt đập cống, đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình mặn để phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục kiểm tra, cập nhật độ mặn thường xuyên, đồng thời lưu ý người dân chủ động, không chủ quan lơ là trong ứng phó với hạn mặn.

Còn tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ đã được hỗ trợ hệ thống quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn trên nhánh sông chính góp phần thông tin chính xác và kịp thời đến người dân.

Bí thư, Trưởng ấp Bình Hòa 2, xã Bình Hòa Phước Nguyễn Nam Đệ cho biết, qua thời gian thích ứng với tình hình hạn mặn, người dân đã tích lũy được kinh nghiệm và biết sử dụng công nghệ để kiểm tra sự tăng, giảm độ mặn hằng ngày, chủ động lấy nước để bảo vệ vườn cây. Người dân cũng tích cực dọn dẹp, chuẩn bị ao chứa để thích ứng lâu dài.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Xâm nhập mặn có nguy cơ gây thiếu nước ngọt đến gần 40.000ha lúa và khoảng 43.300 ha vùng chuyên canh cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau.

Để giảm thiểu tác động của hạn mặn, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp và sử dụng nước ngọt tiết kiệm, phù hợp…/.

(Đón xem bài 3: Biến nguy thành cơ)

(TTXVN/Vietnam+)
Link bài gốc Copy link
Thắng Trung

Tin cùng chuyên mục