Câu chuyện thuốc hiếm: Khi sinh mạng người dân không đợi quy trình

Bài 2 - Ngộ độc ở Việt Nam: Quá nhiều mối nguy đang rình rập

Công tác phòng chống ngộ độc không phải phục vụ một số bệnh nhân nhất định, mà cần ngăn chặn phòng chống ngộ độc, giáo dục cộng đồng để chống độc từ xa, giúp cuộc sống an toàn hơn.
Trung tâm Chống độc có cách thức phát hiện nguy cơ để đề xuất giải pháp từ những ca điều trị cụ thể. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bài 2: Bức tranh về ngộ độc ở Việt Nam: Quá nhiều mối nguy đang rình rập

Từ vụ những bệnh nhân ngộ độc Botulinum đã cho thấy những bất cập đang tồn tại trong vấn đề về dự trữ nguồn thuốc, đặc biệt là những loại thuốc thuốc hiếm. Bởi với những quy định hiện nay, các bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì không có thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Xung quanh vấn đề điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để hiểu rõ hơn về bức tranh của công tác phòng chống độc hiện nay và những bất cập cần khắc phục.

Hóa chất bảo vệ thực vật

- Trong xã hội hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng những nguy cơ về việc ngộ độc, từ hóa chất, môi trường làm việc, đến tự nhiên dường như gia tăng hơn rất nhiều. Là một người làm công tác phòng chống độc nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ ngộ độc hiện nay?

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên: Hiện nay nguy cơ ngộ độc trong cuộc sống tồn tại rất nhiều, bởi có quá nhiều nhóm nguyên nhân và các hoàn cảnh.

Đó là từ thuốc chữa bệnh, như riêng mảng thuốc y học cổ truyền hiện nay là một khoảng trống chưa được đánh giá và nghiên cứu đầy đủ. Thuốc tân dược cũng vậy, mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tác dụng phụ không mong muốn. Trước kia thuốc tân dược ít loại, giờ với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhiều phát minh nên thuốc đa dạng hơn.

Đặc biệt, các hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay ngày càng nhiều và đa dạng các chủng loại. Ngày trước, thuốc bảo vệ thực vật chỉ tập trung có một 1 số nhóm chủ yếu phân lân hữu cơ, thuốc diệt chuột, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, có hàng trăm loại chất, hàng nghìn chất khác nhau.

Thêm vào đó, các loại ma tuý cũng vậy, thay đổi cực kỳ khủng khiếp, với hàng chục nhóm chất mới. Với ma túy, xưa đơn giản chỉ có heroin, giờ hàng chục nhóm ma túy, mỗi nhóm có hàng chục, hàng trăm chất bên trong.

Hiện nay nguy cơ ngộ độc trong cuộc sống tồn tại rất nhiều, bởi có quá nhiều nhóm nguyên nhân và các hoàn cảnh. (Ảnh: M.Q/Vietnam+)

Các chất độc trong tự nhiên vẫn tồn tại như trước đây nhưng do con người xâm nhập vào môi trường tự nhiên nhiều như việc lấn chiếm, tranh chấp, phá hoại xâm nhập vào điều kiện tự nhiên, xung đột giữa con người và con vật, như rắn độc cắn và các loài thực vật khác dẫn tới ngộ độc sẽ nhiều lên.

Trong môi trường lao động phát triển công nghiệp, cũng có quá nhiều nguyên nhân tác động gây nguy cơ ngộ độc.

Đặc biệt, trong cuộc sống trước kia hóa chất gia dụng hầu như không có, còn hiện nay với xu thế phát triển của xã hội, nhiều chất gia dụng được sử dụng để tẩy rửa, ứng dụng trong gia đình, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, công tác điều trị ngộ độc các chất giờ rất phức tạp.

Gánh nặng lên hàng rào kỹ thuật cuối cùng

- Như bác sỹ phân tích, trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều mối nguy về ngộ độc, thậm chí có thể xảy ra ở bất kỳ gia đình nào, bất kỳ khi nào. Theo ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng trên?

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên: Nguyên nhân gây ngộ độc từ khắp nơi, nhưng nguyên nhân từ ngoài vào rất nhiều, vì vậy chúng ta cần phải có hệ thống các cơ quan chức năng ngăn chặn hóa chất độc hại từ bên ngoài vào lại qua các hệ thống, bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... Bản thân chúng tôi cũng tham gia vào khâu tư vấn, để kiểm soát đầu vào.

Công tác điều trị ngộ độc chính ra hàng rào kỹ thuật cuối cùng nơi các sự cố bệnh nhân ngộ độc, các vấn đề xảy ra - là nơi thu dọn, giải quyết hậu quả, đây cũng là hàng rào, phòng tuyến cuối cùng.

Trong công tác điều trị ngộ độc hiện nay có các công cụ như: chữa bệnh, chẩn đoán điều trị, xét nghiệm độc chất, công cụ về tư vấn, giáo dục cộng đồng, trả lời… giám sát, theo dõi phòng chống ngộ độc…

Đơn vị cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tại Trung tâm chống độc, chúng tôi phân tích, phát hiện dựa trên những ca ngộ độc nhất định này thấy nguy cơ, hiện tượng có thể xảy ra, lặp lại ở những người khác nữa như có thể là hành vi, thói quen, sản phẩm không an toàn dùng chung… lặp lại, khi đó các bác sỹ sẽ tư vấn cho các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn.

- Theo bác sỹ, từ những ca ngộ độc mà hàng ngày Trung tâm đang tiếp nhận, theo kinh nghiệm ở lĩnh vực này, bác sỹ có thể đánh giá chúng ta có thể chủ động phòng tránh được không?

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên: Về nguyên tắc, hầu hết các trường hợp ngộ độc có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, trong công tác điều trị, việc chẩn đoán xét nghiệm là khó, bởi có nhiều bệnh mới nổi và thay đổi liên tục theo thời gian, thậm chí có những bệnh chưa bao giờ đề cập trong y văn, và Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân như vậy.

Đơn cử như vào tháng 5/2023, Trung tâm chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào viện với biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Bệnh nhân cho hay vào cuối tháng 4/2023, bệnh nhân mua 100g bột màu thực phẩm đỏ tươi (gọi là bột Mai quế lộ) ở chợ, trộn với thịt lợn xay và gói nem. Sau khi ăn, người phụ nữ thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, phải nhập viện. Mẫu bột mầu thực phẩm đã được Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm, phát hiện thấy có Acid Orange 7, được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Khi sử dụng liều cao trên động vật, chất này có thể gây tan máu. Trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người.

Trước đó, vào năm 2021, Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội, bị tan máu cấp sau khi ăn thịt bò sốt vang nấu với bột màu đỏ mua ở chợ.

Video Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên nói về công tác phòng chống độc:

Thường những ca này chỉ xảy ra trên động vật, nay trên người chúng tôi đã gặp 3-4 ca. Chúng tôi thấy có những bệnh chỉ gặp trên động vật nay gặp trên người và chúng ta chẩn đoán ra. Thế giới có thể ít gặp, còn Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận trước đó.

Ca bệnh Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận như ngộ độc thiếc. Vào năm 2020 đã có 13 người ngộ độc thiếc nhập viện tại Trung tâm Chống độc, trong đó 1 người tử vong. Đây là lần đầu tiên tình trạng ngộ độc thiếc được ghi nhận ở Việt Nam. Khi đó, các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc đã tìm mọi cách để xét nghiệm, chẩn đoán, cấp cứu. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm và chẩn đoán gần như bế tắc, trong khi đó cần phải chạy đua để cứu sống bệnh nhân, đặc biệt là phải phát hiện nhanh nguyên nhân để thông báo các cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, tránh để những người khác bị nhiễm độc và tử vong tiếp. Bằng cách truy tìm tất cả các thông tin từ y văn, từ đồng nghiệp khắp thế giới, chúng tôi đã thấy manh mối của một số ca bệnh tương tự.

Rồi những vụ như ngộ độc Botilium cũng vậy, 2 ca ngộ độc Botilium đầu tiên trong vụ pate Minh Chay chúng tôi đã chẩn đoán ra 2 bệnh nhân đầu tiên.

Đây là những ca bệnh hiếm gặp, trên thế giới cũng có ít. Cả bác sỹ Việt Nam và thế giới đều phải loay hoay chẩn đoán. Khi chúng ta là những người phát hiện ra bệnh mới, có những bệnh mới chưa có phác đồ điều trị chúng tôi phải tự xây dựng phác đồ điều trị.

Lĩnh vực chống độc chưa được đầu tư

- Theo bác sỹ, các Trung tâm Chống độc có những cách thức để phát hiện nguy cơ ngộ độc nhằm đề xuất những giải pháp từ những ca điều trị cụ thể?

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên: Về lâu dài, Trung tâm Chống độc có cách thức phát hiện nguy cơ để đề xuất giải pháp từ những ca điều trị cụ thể, qua hình thức tư vấn, hội chẩn, điện thoại, từ người dân và viên y tế gọi điện hỏi, báo thông tin hoá chất, ghi nhận vào phần mềm quản lý.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Các trung tâm chống độc miền Bắc, miền Nam, miền Trung kết nối dữ liệu với nhau, phân tích với dữ liệu đồng bộ. Bất cứ khi nào nhà quản lý yêu cầu, chúng tôi có thể chủ động cung cấp thông tin ghi nhận gần đây loại thuốc nào không an toàn, những hóa chất gì đang gây ra ngộ độc, những ca ngộ độc nào đột nhiên ca bệnh tăng vọt lên để phát hiện sớm và báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý có biện pháp dự phòng, ngăn chặn ngay khi có 1-2 trường hợp mắc để không tiếp tục xuất hiện các ca tương tự.

Công tác phòng chống ngộ độc không phải phục vụ một số bệnh nhân nhất định, mà cần ngăn chặn phòng chống ngộ độc, giáo dục cộng đồng để chống độc từ xa, giúp cuộc sống an toàn hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực chống độc tại Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư, đặc biệt trong xu thế hiện nay các bệnh viện phải tự chủ, trong khi đó các bệnh viện công luôn đảm nhận chức năng lớn về đào tạo, bởi là các bệnh viện tuyến cuối chuyên sâu mà phải gánh trọng trách phải tự chủ không hợp lý, bởi trong đó có một trong những nhiệm vụ là phòng chống ngộ độc.

Vì vậy, đó là nhiệm vụ công ích chung, đơn cử như ở cả nước phát triển, họ có kinh tế nhưng nhà nước lo cho vấn đề này, họ luôn có kinh phí đều đặn cho lĩnh vực phòng chống độc. Các bệnh viện tự chủ phải có những mảng nhà nước đầu tư đều đặn cho lĩnh vực này như phòng chống độc, phòng chống dịch bệnh, đào tạo cho các tuyến, tình thế bắt buộc phải sử dụng kinh phí nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên!./.

Đón đọc toàn bộ chùm bài:

Bài 1: Thiếu thuốc hiếm - “Phương trình” nhiều năm vẫn chưa có lời giải thỏa đáng
Bài 2: Bức tranh về ngộ độc ở Việt Nam: Quá nhiều mối nguy đang rình rập
Bài 3: Chiến lược dự trữ quốc gia ứng phó với những thảm kịch ngộ độc

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục