Bài 3: Những bản Dao đỏ hoang tàn sau các cuộc tháo chạy tử thần

Chuyện chạy lũ, thoát lũ với đồng bào dân tộc tại Lào Cai là câu chuyện chung về những ngôi nhà vô tình hoặc hữu ý dựng sát những quả "bom đất," "bom nước" sẵn sàng nổ bung ra bất cứ lúc nào tại đây.
Những ngôi nhà lưng chừng núi như thế này có thể làm mồi cho cơn lũ dữ bất cứ lúc nào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thực tế, cơn lũ đêm ngày 4 rạng sáng 5/8 đã khiến cho hàng nghìn ngôi nhà tại tỉnh Lào Cai đứng trước nguy cơ bị đổ sập. Riêng tại bản Ki Công Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, 38/38 hộ dân của đây được đặt vào diện báo động đỏ.

Chuyện chạy lũ, thoát lũ với đồng bào Dao đỏ tại rẻo cao này cũng là câu chuyện chung về những ngôi nhà vô tình hoặc hữu ý dựng sát những quả "bom đất," "bom nước" sẵn sàng nổ bung ra bất cứ lúc nào tại Lào Cai.

Tan hoang vì "bom đất"

Theo thống kê nhanh của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai, sau hai cơn bão số 1 và số 2, trên địa bàn toàn tỉnh này có tới hơn 1.300 hộ dân nằm trong diện nguy hiểm, cần di dời. Dẫn đầu trong số này là huyện Bát Xát với 254 căn nhà phải được hỗ trợ khắc phục ổn định và sắp xếp ra khỏi vùng chịu ảnh hưởng.

Chỉ trên địa bàn hai xã chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt lũ quét, lũ ống vừa qua là Tòng Sành và Phìn Ngan, đã có tới hàng trăm ngôi nhà bị san phẳng.

Hầu hết các công trình này đều được dựng sát các vách núi, đồi hoặc đối diện ngầm, suối, vốn là những nơi có nguy cơ rất cao khi xảy ra mưa lũ.

Điển hình, tại thôn Ki Kông Hồ, xã Tòng Sành có tới 38/38 hộ hiện đang được đặt trong tình trạng báo động đỏ khi hiện tượng trượt, sụt lún từ những quả bom đất phía sau nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thôn Ki Công Hồ tan hoang vì cơn lũ bất ngờ càn quét qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chỉ tay lên ngọn đồi lở lói vàng ệch, tàn tích của trận lũ vừa đi qua, ông Tần Láo Sử, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tòng Sành nén vào ngực tiếng thở dài. Ông Sử cho hay: Hiện bản người Dao đỏ sống dưới chân núi Kông Hồ đều như ngồi trên lửa khi toàn bộ bản đều nằm trong một lòng chảo chũng được đồi, núi bao quanh.

Chỉ riêng trận lũ quét rạng sáng ngày 5/8, 7 ngôi nhà của bản Dao đỏ đã bị cuốn phăng hoặc chôn vùi, hơn chục công trình khác cũng không đủ sức trụ lại với cơn giận giữ của Núi mẹ. Vùng đất mới hôm qua còn trù phú, giờ ngổn ngang như một đại công trường xây dở. Xe máy, giường tủ, hoa màu, tiền bạc… tất cả đều nằm sâu dưới hàng mét đất còn nhão nhoét. Ba ngôi nhà của bà Chảo Kiều Mẩy và Lò Pa Mẩy nằm sát sạt chân núi hứng chịu trực tiếp trận "bom đất," lũ đất thì bị thổi bay, chỉ còn chỏng chơ vài súc gỗ làm trụ. Nước vẫn ri rỉ, đỏ ứa như dòng máu từ đất đồi róc rách chảy xuống bản xa.

Bà Chảo Kiều Mẩy, năm nay hơn 70 tuổi thì ngồi lặng thinh trên trụ đá ngay chân núi Kông. Những nếp nhăn đuôi mắt dồn cả vào với nhau khi bà Mẩy cố nheo lại định vị căn nhà cũ đã bị thổi bay.

Đêm 5/8, 11 người trong nhà bà khi nghe thấy tiếng nổ của đất lở đã vội vã bỏ lại tất cả, dắt díu nhau dùng hai đèn pin chạy ngược lên triền núi để tránh đường đi của lũ dữ. Không ai kịp nhìn lại cảnh tượng dòng đất đen ngòm "ngoạm" gọn căn nhà gỗ cũ kỹ.

“Mất hết cả rồi, tiền bạc, mọi thứ đều mất rồi,” người mẹ già người Dao rấm rức. Tiếng khóc nghe ra như nỗi buồn rợn người giữa núi rừng Tây Bắc mênh mông.

Lở Vạt, gã trai bản sinh năm 1996, từ mấy ngày nay vẫn cứ bất chấp nguy hiểm, chân trần, bới lớp bùn dày nhão nhoét trong căn nhà sàn ngay sát núi Ki Kông mong tìm được một vài vật dụng còn sót lại. Nhưng càng tìm, Vạt càng ngẩn ngơ. Lũ đã cuốn sạch mất rồi. Lũ đánh sập một cột nhà, lũ khoét thủng một lỗ toang hoác ngay sau hông bàn thờ. Lúi cúi trong căn nhà nghiêng chực sập, Vạt kể: "Đêm ấy, may mắn là cả gia đình kịp chạy thoát, nếu không giờ không biết thế nào."

Những phụ nữ người Dao tại thôn Ki Công Hồ khóc cạn nước mắt vì họ đã mất tất cả. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày chúng tôi vào thôn Hồ, con đường độc đạo dẫn lên bản vẫn lở lói những vết thương từ trận lũ. Nhà cửa ngổn ngang, xiêu vẹo. Hàng chục đồng bào người Dao đỏ vẫn phải tạm trú tại Phân hiệu trường tiểu học gần đó.

Điều đáng buồn nhất, khi đoàn công tác của huyện Bát Xát vào vận động bà con di dời chỗ ở ra khỏi vùng nguy hiểm thì họ đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Có bà con thôn Hồ bảo: "Đời ông, đời cha tao đã sống thế, giờ tao không đi đâu cả." Trong lúc đợi cái lý của người Dao đỏ “mòn” đi, đất, đá vẫn cứ ngày ngày trượt theo dòng nước ri rỉ qua các khe trượt xuống, lao thẳng vào hông các căn nhà gỗ tuềnh toàng.

Đáng sợ nhất, theo ông Tần Láo Sử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tòng Sành, tại thôn Hồ hiện còn có 2 căn hộ xây dựng trái phép tại những khu vực hết sức nguy hiểm. Mặc dù chính quyền đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng các gia đình này vẫn chưa di dời. Loại công trình này được xếp vào diện có nguy cơ cao nhất nếu lũ ống, lũ quét xuất hiện. Thực tế, trong đêm 4 rạng sáng 5/8, căn nhà sai phép của anh Hồ Văn Quy, xã Tòng Sành cách đó không xa cũng đã bị cả một núi đất đá tràn vào, vùi lấp 3 đứa trẻ vô tội.

Sự cố chấp của người lớn, cái lý của bà con dân tộc… đã khiến cả bản làng, cả hơn 200 nhân khẩu bị đặt trong báo động đỏ. Núi thì vẫn cứ trở mình, lúc lở, lúc trượt, đỏng đảnh đến nhói lòng.

Bản “chạy”

Nếu như, đối với Ki Kông Hồ, đợt lũ gần nhất mà người dân phải gánh chịu đã là từ năm 2011 thì đồng bào sinh sống tại các bản của xã Phìn Ngan từ lâu đã được mệnh danh là "bản chạy," "thôn chạy" mỗi khi lũ về. Người Phìn Ngan, năm nào cũng chực bỏ nhà cửa, ruộng nương, chạy xuôi về phía bãi phẳng để tránh dòng nước, dòng đất.

Vào Phìn Ngan bây giờ, một khung cảnh hoang tàn, xơ xác hiện ra. Người dân đi lại lầm lũi, im lìm. Điện cả xã bị mất mấy ngày hôm nay vì nhà máy thủy điện gần đó đã chìm sâu trong hàng ngàn tấn bùn thải.

Xã Phìn Ngan hoang tàn xơ xác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Con suối chảy qua thôn Sủng Hoảng cách đây mấy hôm đã nuốt trôi cây cầu treo, con suối đỏ quạch phù sa vẫn cuồn cuồn đầy hằn học. Những làng bản trù phú của đồng bào dân tộc Dao nằm ven suối Sùng Hoảng và lưng chừng núi bỗng chốc xơ xác, tiêu điều, hoang lạnh. Những căn nhà đổ sập, chìm nghỉm. Cây cầu treo, con đường duy nhất dẫn vào thôn Sùng Hoảng, bị lũ cuốn phăng đêm 4/8, trơ lại hai cột trụ.

Ông Chảo Hùng Phấy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phìn Ngan chua xót: Trận mưa lũ vừa qua đã khiến hơn 20 hộ bị mất nhà, 3 người mất tích.

“Diện tích hoa màu mất mấy chục ha. Cũng chưa ai đi đo thực tế, mới chỉ thống kê ban đầu,” ông Phấy lắc đầu kể.

Mặc dù bản thân được mệnh danh là xã chạy lũ, bản chạy lũ, nhưng theo ông Phấy, thiệt hại hàng năm vẫn rất lớn. Nguyên nhân chính đến tư việc các thôn, bản của Phìn Ngan đều nằm trên địa hình dốc, rất nguy hiểm. Ngay cả với những khu vực vốn được đánh giá là an toàn như thôn Sùng Hoàng 2 vẫn có khả năng xảy ra sự cố khi xuất hiện lũ quét.

“Từ xưa đến nay chưa bao giờ xảy ra vụ việc như vậy, những thôn chúng tôi cho là nguy hiểm lại không xảy ra việc gì mà chỉ những thôn chúng tôi không ngờ lại bị,” ông Phấy thành thật.

Những người dân tại thôn Sùng Hoảng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại lần đối mặt với tử thần khi cơn lũ ập đến. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chủ quan, không lường trước được hết sự tàn khốc của tự nhiên, nên khi lũ đổ về, ngay cả những “quán quân chạy lũ” ở Phìn Ngan vẫn rơi vào bị động. Kể về đêm kinh hoàng đầu tháng 8, Chảo Láo Khờ, trưởng thôn Sủng Hoảng 2 cho hay: “Khoảng 2 rưỡi sáng lũ mới về nhưng nửa đêm dân đã gọi báo vì mưa to, nước chảy lớn quá không ngủ được. Đến 2 giờ thì nước càng lúc càng lớn, mình mới kêu gọi bà con chạy lên nhà trường để tránh.”

Giữa đêm đen kịt, mưa ràn rạt mặt người, Khờ cùng 50 bà con, loang loáng đèn pin, chân oàm oạp nước bán sống bán chết chạy. Đến lưng chừng dốc, Khờ khựng người vì nghe thấy tiếng động lớn rung chuyển cả làng ở phía đằng sau. Lũ đã về. Những tảng đất lớn cả mét bị lỏng chân ầm ầm đổ xuống theo dòng nước đen ngòm ập thẳng vào bản. Khờ chỉ còn biết gào lên, giục mọi người cố chạy.

Trong cuộc chạy lũ tháng Tám, bản Sùng Hoảng 2 mất đi 3 người. 11 người khác được người dân kịp thời cứu đưa đến các địa điểm an toàn. Nỗi sợ hãi núi lở, nước lớn còn hằn lên gương mặt tái dại, xanh lét và lấm lem bùn của họ.

Trải qua cơn lũ kinh hoàng, Chủ tịch Phấy, chân quần xắn cao, giờ đã không còn tự tin về độ an toàn của xã mình được nữa.

“Độ an toàn của nhân dân xã Phìn Ngan chỉ là tương đối, lúc nào cũng ngay ngáy lo sợ, đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra,” ông Phấy nói.

Thực tế, hiện nay, các nhà dân, đặc biệt là các gia đình đồng bào dân tộc tại các huyện, xã, thị trấn của tỉnh Lào Cai vẫn được xây dựng theo thế dựa lưng, hoặc nằm lưng chừng núi, đồi. Với đặc điểm địa hình dốc, kết cấu đất không vững chắc nên nguy cơ xảy ra thảm họa “bom đất” lấp nhà dân mỗi khi mưa lũ đang hiển hiện.

Việc những quả bom đất có thể sập xuống cũng là mối lo ngại chung của toàn tỉnh Lào Cai nói riêng và cả Tây Bắc nói chung. Mối đe dọa này càng được nhân lên khi thực tế còn rất nhiều nguy cơ khác từ quy hoạch hạ tầng, tính toán thủy văn chưa chính xác.

Bài 4: [Video] Lào Cai và nỗi ám ảnh mang tên "bom đất"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục