ĐỘC QUYỀN VÀ BẤT ỔN: CẦN CÁCH “ỨNG XỬ” MỚI VỚI THỊ TRƯỜNG VÀNG

Bài 3: Quản lý thị trường vàng thế nào để công khai, minh bạch?

Có ý kiến cho rằng thành lập sàn giao dịch vàng để giảm khoảng cách giá vàng thế giới với trong nước. Song, cũng có ý kiến nói chưa phù hợp để thành lập sàn vàng.

Chuyên gia kiến nghị thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay nên thành lập sở giao dịch vàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chuyên gia kiến nghị thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay nên thành lập sở giao dịch vàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xoay quanh vấn đề sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để giải quyết bài toán bình thường thị trường vàng trước những bất ổn của chính sách đã và đang tồn tại, không ít ý kiến đề xuất, cần xóa bỏ thế độc quyền kinh doanh vàng miếng và lập sàn giao dịch vàng. Thực tế, câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây, nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn còn “bỏ ngỏ.”

Nên đưa vàng lên sàn…

Một số chuyên gia cho rằng thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay nên thành lập sở giao dịch vàng, từ đó người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và thực hiện mua bán trên đó.

Sở giao dịch vàng sẽ chuẩn hóa thị trường vàng, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng. Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động, thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn, văn minh hơn.

Khi Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý, không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không?… Vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế. Vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

Đặc biệt, về liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới, nếu có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.

Theo Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai, bất kể người nào tham gia sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường này đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát tốt hơn.

Một điểm quan trọng nữa được ông Cường chỉ ra là nếu có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông trên thị trường thế giới sẽ dễ dàng, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.

Theo ông Cường, khi thành lập sàn vàng cần tính tới mô hình sẽ như thế nào, cấp độ sàn sơ cấp chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế, còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro.

Bên cạnh đó xây dựng khuôn khổ pháp lý để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn… Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động nhằm phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Lê Đạt Chí - Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay câu chuyện thành lập sàn giao dịch vàng đã được đề cập từ nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn còn “bỏ ngỏ” nên người mua vàng mang về nhà cất giữ thay vì gửi vào ngân hàng như trước đây. Cũng vì thế, một nguồn vốn trong xã hội chưa được khai thác, nằm im trong dân.

“Các đơn vị kinh doanh vàng mỗi ngày đều công bố giá, nhưng cơ sở nào để đưa ra mức giá đó thì rất khó có thể biết được. Ai có thể lý giải tại sao người Việt phải mua vàng với giá cao hơn thế giới từ 15-17 triệu đồng/lượng trong nhiều năm qua? Hơn nữa, các đơn vị kinh doanh vàng cũng để giá mua và bán ở mức chênh lệch cao, nên rủi ro hoàn toàn thuộc về người mua,” ông Chí đặt câu hỏi.

Chính vì vậy, ông Lê Đạt Chí cho rằng thay vì phải mua bán vàng vật chất như hiện nay, với việc thành lập sở giao dịch vàng, người nắm giữ vàng có thể mang lưu ký vàng ở những đơn vị được phép, mở tài khoản giao dịch và thực hiện mua bán trên đó. Sở giao dịch vàng sẽ chuẩn hóa thị trường vàng, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng. Khi có sàn giao dịch vàng hoạt động, thị trường sẽ phát triển minh bạch hơn, văn minh hơn.

vnp_vang nhan2.jpg
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 15-17 triệu đồng là điều phi lý. (Ảnh: Vietnam+)

Tiến sỹ Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chuyên gia kinh tế cũng phân tích trong 5 năm qua, giá vàng biến động trong khoảng 40%-50%, chưa kể đồng USD mất giá. Cho nên việc người dân tích trữ vàng không chỉ đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là phương tiện trú ẩn, nhiều người muốn giữ vàng để đề phòng bất trắc, rủi ro, do vậy một khối lượng vàng rất lớn đang "nằm chết" trong dân.

Một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 tấn, cũng có số liệu 400-500 tấn, đây là số liệu ước chừng nhưng là con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà các chuyên gia đề xuất là Sở giao dịch vàng.

Vẫn cần thận trọng hơn

Trước vấn đề đã nêu, mặc dù đánh giá việc thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây không phải mục tiêu chính trong sửa đổi Nghị định 24. Việc này cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thận trọng, tránh tái lập tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Nhìn nhận xoay quanh nội dung này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính cần thiết khi lập sàn vàng. Bởi hiện nay chủ yếu là giao dịch điện tử và cần có chân rết, mạng lưới phù hợp. Vậy thì khu vực nông thôn, miền núi hoạt động như thế nào? Riêng hoạt động giao dịch vàng tài khoản, ông Lực đề nghị nên xem xét cho phép vì tiện lợi cho giao dịch, quản lý, giảm dùng tiền mặt và theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này đồng ý với quan điểm rằng Chính phủ cần sửa Nghị định 24 do đã ban hành hơn 10 năm và hiện có một số quy định bất cập; trong đó phải bỏ tình trạng độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng, gia tăng nguồn cung hợp lý để tăng tính minh bạch cho thị trường. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng do chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn, từ đó cũng góp phần quản lý ngoại tệ, tỷ giá tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần kiên định chính sách giảm “vàng hóa” vì đã thực hiện tốt thời gian qua như không cho vay mượn bằng vàng, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh trái phép…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm, việc thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng không phải mục tiêu chính.

“Vấn đề là chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ, làm sao cho việc quản lý vàng vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà nước là tránh “vàng hóa nền kinh tế,” tránh đưa vàng vào một loạt tiền tệ trong thị trường đồng thời đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân; từ đó tạo ra thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Đây là mục tiêu chúng ta cần hướng tới, thay vì chỉ đơn thuần lập sàn giao dịch vàng,” ông Thịnh nhấn mạnh.

081027304.png

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc rủi ro thanh toán mua vàng miếng bằng tiền mặt.

Cụ thể, đề xuất này nhằm phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất xem xét có cơ chế quản lý phù hợp, tránh độc quyền, lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động khó lường, chắc chắn vàng vẫn sẽ là tài sản đầu tư, “tài sản trú ẩn” được ưa thích, đòi hỏi phải có sự quản lý để thị trường này hoạt động hiệu quả.

Bài toán này, rõ ràng đang đặt lên vai Ngân hàng Nhà nước cần sớm đưa ra những lời giải thích đáng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.