Bảo tồn di sản cao nguyên đá: "Có thực mới vực được đạo"

Bài 4: Bảo tồn di sản cao nguyên đá: "Có thực mới vực được đạo"

Đối với đồng bào sinh sống ở Cao nguyên đá Đồng Văn, nguồn nước không chỉ đóng vai trò "cứu khát," mà còn góp phần quan trọng cho việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Người dân ở sơn nguyên đá phải đối diện với những thách thức rất lớn về nguồn nước. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Với hàng loạt di sản về địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp hùng vỹ mà thiên nhiên ban tặng, người dân ở sơn nguyên đá phải đối diện với những thách thức rất lớn về nguồn nước. Việc "khát" nước này trên thực tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế, du lịch của Hà Giang.

Bế tắc vì nước

Trải qua nhiều năm biến động, giờ đây cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều di sản quý giá đã tồn tại từ 400-600 triệu năm như di sản địa tầng gồm mặt cắt địa chất Lũng Cú-Ma Lé; ranh giới thời địa tầng Frasni-Famen tại đèo Si Phai; di sản địa mạo với danh thắng núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, rừng đá Khâu Vai…

Với những giá trị nổi bật, năm 2010, tại Lesvos (Hy Lạp), Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Sự kiện này cũng đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến với tỉnh vùng biên Hà Giang.

Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch đến với sơn nguyên Đồng Văn trong những năm qua đã tăng đột biến. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh Hà Giang thu hút 300.000 lượt khách, thì con số này đã tăng lên 650.000 lượt khách (năm 2014) ; trong đó lượng khách thăm cao nguyên đá Đồng Văn chiếm tới hơn 80%.

Khách du lịch đến thăm Cao nguyên đá có thể 'khám phá' những hang động kỳ bí, với hàng loạt di sản về địa chất, địa tầng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Nguyên Lê Huy, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, cao nguyên đá Đồng Văn đã được định hướng phát triển thành khu du lịch quốc gia, đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất toàn cầu cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh.

"Thế nhưng, đến nay vùng núi đá Đồng Văn vẫn chưa khai thác được triệt để những tiềm năng vốn có, do khan hiếm nguồn nước, thiếu đất sản xuất và hạn chế trong phát triển chăn nuôi. Thực tế này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát triển du lịch của vùng di sản," ông Huy trăn trở.

Theo ông Huy, để bảo tồn và phát triển di sản cao nguyên đá Đồng Văn, việc giải quyết nguồn nước cho đồng bào vùng cao là một trong những "vấn đề bức xúc" đã được Chính phủ và Ủy ban các cấp tỉnh Hà Giang nỗ lực giải khát suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào triệt để, kể cả hồ treo đến bơm nước từ các hồ thủy điện...

Bên cạnh đó, "đời sống, trình độ nhận thức về du lịch của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số còn kém. Nguồn nhân lực cho ngành du lịch có chất lượng thấp, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển đã tác động không nhỏ đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của Đồng Văn," ông Huy thành thật.

"Phá núi đổi cái ăn"

Được kỳ vọng là "trung tâm du lịch" của vùng sơn nguyên đá, ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn khẳng định, Đồng Văn được thừa hưởng cảnh quan hùng vỹ với những nét văn hóa đặc sắc, thế nhưng địa phương vẫn khó phát triển du lịch do luôn gặp phải "rào cản" lớn về khan hiếm nguồn nước.

Theo ông Ngọc, đối với đồng bào vùng núi đá Đồng Văn, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất, bởi nước không chỉ đóng vai trò "cứu khát" cho hàng ngàn người dân, mà còn phục vụ cho việc bảo tồn, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế và mở rộng du lịch.

"Đơn cử như, Hà Giang có đặc sản thịt bò vàng rất ngon, nên từ lâu chúng tôi luôn muốn xây dựng thương hiệu thịt bò vàng Đồng Văn để phát triển kinh tế, cũng như đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch. Thế nhưng, trong bối cảnh người dân còn ‘khát’ nước sinh hoạt, thì việc nuôi và phát triển được giống bò này là rất khó thực hiện," ông Ngọc trăn trở.

Cũng vì khát nước nên trước đây người dân ở vùng cao Mèo Vạc thường phải phá núi, khai thác đá để đổi nước, đổi cái ăn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Không chỉ riêng Đồng Văn, tại huyện Mèo Vạc, từ nhiều năm qua, thực trạng khan hiếm nguồn nước cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, xóa đói giảm nghèo của đồng bào người Mông nơi đây.

Theo ông Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc, địa phương này có hơn 500.000m2 thì ¾ diện tích là núi đá tai mèo. Do phần lớn đồng bào nơi đây là người Mông (có khoảng 80% hộ dân) sống ở vùng sâu, vùng núi cao, nên nguồn nước để sản xuất là điều rất xa xỉ.

"Cũng vì khát nước, khó khăn trong sản xuất, nên trước đây người dân thường phải phá núi, khai thác đá để đổi nước, đổi cái ăn. Việc làm này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn di sản, cũng như cảnh quan sơn nguyên đá," ông Thề thành thật.

Để tháo gỡ rào cản về nguồn nước, ông Thề hy vọng thời gian tới, trên địa bàn sẽ có thêm những công trình cấp nước cho người dân, để đồng bào nơi đây thoát cảnh khát nước, yên tâm sản xuất, chăn nuôi và phát triển tiềm năng du lịch của vùng.

Từ góc độ bảo tồn, ông Nguyên Lê Huy cũng khẳng định, nước là yếu tố vô cùng quan trong của cuộc sống. Bởi vậy, mỗi dự án, công trình về nước đầu tư tại đây sẽ là cơ hội lớn, tạo đà cho việc phát triển du lịch và bảo tồn di sản của sơn nguyên Đồng Văn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục