Để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nước vào mùa khô, theo nhiều chuyên gia, việc khai thác nước ngầm và nguồn nước từ các hang động không chỉ là giải pháp“cứu khát”cho đồng bào, mà còn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong chiến lược phát triển bền vững của vùng cao nguyên đá.
“Bắt mạch”
Theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tiến hành điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn với hi vọng “cứu khát” cho gần 250.000 người dân 4 huyện vùng cao, nhất là Mèo Vạc - nơi được xem là “đỉnh khát” của sơn nguyên đá.
Sau nhiều năm “bắt mạch” tìm kiếm nguồn nước, kết quả đến năm 2012, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tìm ra 23 lỗ khoan với tổng lưu lượng lên tới hơn 9.000 m3/ ngày đêm, đủ cung cấp nước cho khoảng 100.000 người với mức bình quân 80 lít/ người/ ngày.
Tiếp nối thành công, cuối tháng 2/2014, một trạm cung cấp nước sạch đầu tiên đã được xây dựng, đưa vào hoạt động theo đúng tiêu chuẩn về cấp nước sạch. Đây là một bước đột phá lớn đem lại niềm vui không nhỏ cho đồng bào “miền đá khát.”
Thế nhưng, việc phát hiện nguồn nước vô cùng quý giá trên mới chỉ là kết quả bước đầu, bởi Chính phủ đã tốn rất nhiều kinh phí. Các nhà khoa học cũng đã mất nhiều thời gian, tâm huyết để tìm ra những mạch nước ngầm vô cùng quý giá, nhưng việc đưa nước sinh hoạt đến với đồng bào lại vô cùng khó khăn.
Theo ông Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Giang, việc tìm kiếm được nguồn nước ngầm trên “miền đá khát” này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi “bộ mặt” nghèo khó của các huyện vùng cao. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khó khăn nên đến nay, các lỗ khoan còn lại vẫn chưa được đầu tư khai thác.
Như gửi gắm tất cả những kỳ vọng về một tương lai đủ nước, ông Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc bảo rằng, thiếu nước, đời sống của bà con nhiều năm qua vô cùng khó khăn. Bởi, không chỉ phải bỏ tiền ra để mua nước, việc sản xuất, chăn nuôi của đồng bào cũng không hề thuận lợi.
“Hiện, trên địa bàn huyện có một số mũi khoan với tổng lưu lượng nước lên tới hơn 1.000m3/ ngày đêm, nếu được khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho bà con. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình khai thác nguồn nước cần kinh phí không nhỏ, trong khi Mèo Vạc là một huyện nghèo nên việc đầu tư là không thể," ông Thề trăn trở.
Giải pháp tại chỗ
May mắn hơn “trung tâm khát” Mèo Vạc, tại thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), nhiều người dân đã được hưởng nguồn nước từ trạm cung cấp nước sạch đầu tiên của vùng cao nguyên đá. Nguồn nước này khai thác từ mạch nước ngầm trong hang động và được xử lý đúng quy trình với tổng lưu lượng 850m3/ngày đêm, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 10.000 người.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn thì trạm nước này cũng mới chỉ đáp ứng được 70% nước sạch cho người dân tại khu vực thị trấn vào mùa khô. Còn các xã vùng cao khác trên địa bàn, hàng ngày, người dân vẫn phải đi gùi nước từ rất xa.
“Đặc biệt, tại một số xã như Vần Chải, Sà Phìn, Sín Lủng, Tả Phìn… vào mùa khô, người dân vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu nước từ 3-4 tháng,” ông Ngọc rầu rĩ nói.
Trong bối cảnh nguồn nước mặt đang ngày khan hiếm, việc đầu tư khai thác nguồn nước ngầm dưới đất cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng vùng Cao nguyên đá Đồng Văn cần hướng đến việc khai thác nguồn nước từ trong lòng các hang động.
Hiện nay, quá trình thăm dò của các nhà khoa học địa chất đã phát hiện trên khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn có gần 100 hang động. Những hang động đã được thăm dò có thể đem lại những tiềm năng to lớn cho việc giải quyết vấn đề nước ở khu vực này.
Trò chuyện với phóng viên VietnamPlus trong chuyến khám phá hệ thống hang động ở Hà Giang vào những ngày tháng 3/1015, ông Yves Dubois, chuyên gia hang động thế giới khẳng định, cao nguyên đá Đồng Văn hiện có rất nhiều hang động. Qua khám phá, phần lớn các hang động tại đây đều rất dài và rộng.
“Điều đặc biệt là trong lòng các hang động này có rất nhiều nước, nhất là hang Bản Mạ có lượng nước rất lớn. Theo tính toán, tốc độ nước chảy tại hang này vào khoảng 50m3/s. Đây là hang có lượng nước lớn nhất mà tôi chưa từng thấy ở đâu trong các hang động trên thế giới,” ông Yves Dubois chia sẻ.
Chuyên gia hang động thế giới Yves Dubois cũng cho biết, với tiềm năng lớn về nguồn nước trong các hang động, Hà Giang có thể tính đến việc khai thác để cung cấp cho người dân. “Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả và bền vững nguồn nước dưới các hang động, thì việc bảo vệ nước mặt khỏi ô nhiễm là việc làm rất quan trọng,” ông nói./.
Bài 4: Bảo tồn di sản thế giới: "Có thực mới vực được đạo"