Bài viết của Tổng Bí thư: Xây dựng đội ngũ lãnh đạo trong sạch, vững mạnh

Theo luật sư Hà Huy Từ, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không né tránh, đi thẳng vào vấn đề thực tế như nhận xét “đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh..."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành viên Tiểu ban Nhân dự tham dự phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành viên Tiểu ban Nhân dự tham dự phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tại Phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã có bài phát biểu quan trọng: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng."

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến việc kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có một trong 6 khuyết điểm. Nhiều cán bộ, đảng viên ủng hộ và cho rằng quy định này là rất cần thiết để xây dựng đội ngũ lãnh đạo trong sạch, vững mạnh.

Cơ sở để nhận diện

Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên cho rằng bài phát biểu của Tổng Bí thư có tác dụng và ý nghĩa hết sức trong công tác cán bộ hiện nay. Từ những chỉ đạo mang tính định hướng, mỗi Ủy viên Trung ương Đảng được nhân dân tin tưởng, bầu chọn phải kiên định tư tưởng, lập trường, phẩm chất chính trị, giữ gìn đạo đức cách mạng, lối sống tốt đẹp, có nhận thức và hành động đúng đắn, nói đi đôi với làm.

Đặc biệt, những Ủy viên Trung ương giữ vai trò người đứng đầu trong Đảng bộ của các cơ quan, địa phương phải gương mẫu đi đầu, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên về diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với các yếu tố phát sinh, hành vi...

ttxvn_tieu ban nhan su 3.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bí thư Đảng ủy, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Giàng Mí Say đánh giá cao những chỉ đạo trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo ông Giàng Mí Say, một trong những khuyết điểm đầu tiên và rất quan trọng được Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu chính là: bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, Ủy viên Trung ương Đảng là những cá nhân xuất sắc, trải qua nhiều vị trí công tác, trưởng thành từ cơ sở nên khi được giao trọng trách cần phát huy tinh thần trách nhiệm, mà bản lĩnh chính trị được coi là yếu tố quan trọng quyết định đến tư cách, hành động trong điều hành công việc.

Bên cạnh đó, việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình cũng được coi là khuyết điểm mà một cán bộ cấp Trung ương tuyệt đối không được phép mắc phải.

Chia sẻ về nội dung này, luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng vừa có tính khái quát cao, vừa có tính chi tiết, cụ thể, dễ vận dụng trong thực tiễn.

Bài phát biểu không né tránh, đi thẳng vào vấn đề thực tế như nhận xét: “đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế."

Theo luật sư, 6 khuyết điểm nêu trong bài phát biểu cũng là để quần chúng nhân dân nhận diện, đồng thời đây cũng là “bộ lọc” để loại bỏ những người không xứng đáng, không có đức, không có tài.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng phân tích trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng đã chính minh rằng việc những cá nhân có 1 trong 6 khuyết điểm mà bài phát biểu đã nêu sẽ gây ra những hậu quả lớn cho đất nước, cho nhân dân.

Ngoài ra, bài phát biểu đã đúc rút kinh nghiệm từ các khóa trước đó để đưa ra những nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành cho đội ngũ nhân sự Đại hội XIV của Đảng rất đúng đắn, chính xác và toàn diện. Những nội dung này không chỉ áp dụng cho Đại hội XIV của Đảng mà còn có giá trị cho những Đại hội tiếp theo, mang giá trị là chiến lược tổng thể về công tác nhân sự của quốc gia trong nhiều năm tới.

"Đây là giá trị cốt lõi nhất và cũng là tiêu chuẩn áp dụng, là thước đo, tiêu chí đánh giá trong công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước. Không những thế, các tổ chức, cá nhân khác có thể học hỏi, vận dụng bài phát biểu trong quá trình tuyển dụng, đánh giá, sắp xếp, phân loại nhân sự để đưa công tác quản lý nhân sự lên tầm cao mới," luật sư Hà Huy Từ nhấn mạnh.

Bố cục của bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chặt chẽ, logic. Trong cấu trúc của bài phát biểu thì mục 4 là "trách nhiệm của chúng ta” - yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương.

"Tôi ấn tượng sâu sắc về văn phong của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù viết về công tác nhân sự là công tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “then chốt” của “then chốt” nhưng văn phong rất giản dị, dễ đi vào lòng người, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ," luật sư Hà Huy Từ chia sẻ.

Nêu gương

Để không mắc phải 6 khuyết điểm, ông Vừ Mí Hờ, Bí thư Chi bộ thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho rằng Ủy viên Trung ương Đảng là những người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm nên nói phải đi đôi với làm, nêu gương về thực hành đạo đức - là phẩm chất cần có đối với mỗi đảng viên.

Do đó, các Ủy viên Trung ương Đảng càng phải nêu gương về thực hành đạo đức, nói đi đôi với làm; phải thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời chỉ đạo cho các cán bộ, đảng viên tuyên truyền, hướng dẫn tận tình cho người dân hiểu đúng nội dung chủ trương của Đảng; khi đề ra công việc, phải thật cụ thể, chi tiết, không chung chung, không được quan liêu, nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm.

ttxvn_tieu ban nhan su 2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bí thư Chi bộ thôn Thèn Ván cho rằng “đức” và “tài” của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo cao luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Do đó, mỗi Ủy viên Trung ương Đảng phải có thái độ nghiêm túc, chủ động, tự giác trong học tập, nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có hiểu biết sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thường xuyên nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động thực tiễn và năng động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...

Chỉ có như vậy, mỗi đảng viên, Ủy viên Trung ương Đảng mới không ngừng tiến bộ, trưởng thành, thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân."

"Tự phê bình và phê bình có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Do vậy, mỗi đảng viên, Ủy viên Trung ương Đảng phải thực sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, phải soi xét lại mình, lắng nghe ý kiến đồng chí, đồng nghiệp và mọi người để tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nghiêm khắc," ông Vừ Mí Hờ nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục