Bàn giải pháp ổn định nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong 2 tháng còn lại của năm 2019 và quý đầu năm 2020, nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả.
Thịt lợn bày bán tại chợ Hà Tĩnh. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc làm việc với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bàn về các giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong 2 tháng còn lại của năm 2019 và quý đầu năm 2020, nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả.

Đây cũng là thời điểm có nhu cầu thực phẩm cao nhất. Nếu không có các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.

Do đó, các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh xáo trộn thị trường.

[Cục Chăn nuôi: Giá lợn thịt lên cao không phải do thiếu nguồn cung]

Trước mắt, Bộ trưởng cho rằng phải tăng nguồn cung, đó là các loại thực phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng.

Về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần kiểm soát cả nhập và xuất để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi, cũng như an toàn dịch bệnh.

Theo Cục Chăn nuôi, nếu so sánh với các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc thì về cơ bản giá lợn trong nước thấp và ít biến động trong suốt 10 tháng qua. Nhận định của ngành nông nghiệp giá lợn hơi trong nước phải vượt mức 50.000 đồng/kg từ thời điểm cuối tháng 9/2019, tuy nhiên, điều này đã diễn ra chậm hơn dự tính gần 1 tháng.

Giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua mà báo chí phản ánh phần chính không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn; trong đó đã có biểu hiện găm hàng, thổi giá.

Trước tình hình giá lợn lên cao vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho rằng nếu giá lợn tăng quá nóng, người chăn nuôi sẽ gia tăng tái đàn và nguy cơ bùng phát dịch hay có thể dẫn đến việc nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành chăn nuôi lợn.

Chăm sóc đàn lợn với mô hình nuôi bằng thảo dược. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nguồn cung của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiện ổn định, tăng khoảng 10% đầu con so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện công ty đang cung cấp cho thị trường khoảng 16.000-17.000 con/ngày, giá 68.000 đồng/kg, nhưng ngoài thị trường giá trên 70.000 đồng/kg. Công ty mong muốn cùng đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ổn định thị trường, nhưng nếu không có doanh khác cùng đồng hành sẽ rất khó.

Ông Vũ Anh Tuấn kiến nghị các bộ ngành cần quyết liệt và thường xuyên trong kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngành nên khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất. Trước đây, lợn nuôi 25-26 tuần thì xuất bán, nếu nuôi trên 30 tuần sẽ tăng 20-30% sản lượng thịt. Đây là giải pháp vừa có lãi cho người chăn nuôi, vừa tăng nguồn cung.

Với khuyến cáo của OIE là tái đàn từ 10-30%, nhưng ngành cần tính toán lại. Với quy mô chăn nuôi lớn, mỗi lần vào đàn là một lần nguy cơ dịch bệnh vào trại, như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Các ngành chức năng cần kiểm soát chặt cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, vận chuyển thịt lợn vì đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường.

Trước tình hình giá cả mỗi nơi một giá, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho rằng giải pháp đầu tiên cần thực hiện ngay là tháo gỡ khó khăn trong lưu thông. Đề nghị Cục Thú y phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển lưu thông các vùng miền.

Nếu giải quyết được vấn đề lưu thông và ổn định tâm lý thì sẽ giá lợn trong Tết này sẽ không bị tăng đột biến vì chính doanh nghiệp cũng mong muốn làm thế nào có thể bình ổn giá.

Ông Đào Mạnh Lương cũng đề nghị ngành khuyến khích tái đàn bằng các chính sách như khuyến khích, hỗ trợ tín dụng đối các với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện tái đàn.

Để ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn hiện nay và các tháng cuối năm, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng thịt lợn để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh tình trạng găm hàng, thổi giá bất thường.

Các địa phương cùng với biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt, cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 8.400 xã, tiêu hủy trên 5,8 triệu con lợn, với sản lượng khoảng trên 330.000 tấn, chiếm 8,8% tổng sản lượng lợn cả nước. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên cả nước.

Hiện cả nước có trên 60% số xã đã qua 30 ngày không có dịch tái phát; đặc biệt 10 tỉnh thành có trên 85% xã đã qua 30 ngày không có dịch. Đây là điều kiện để các hộ có thể tái đàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục