Băn khoăn về quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản

Ngày 24/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều đại biểu băn khoăn về quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản của Dự thảo Luật Dân sự.
Băn khoăn về quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 24/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi); trong đó có nhiều đại biểu còn băn khoăn về quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản tại Điều 483 của Dự thảo Luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 483 dự thảo Luật Dân sự trình Quốc hội quy định về lãi suất: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về hai phương án. Phương án thứ nhất là quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ Luật Dân sự và phương án thứ hai là giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội.

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

Đại biểu Lê Na của Thanh Hóa đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao lại nâng từ 150% theo quy định hiện hành lên 200% bởi không có lý lẽ nào thuyết phục nên cần phải giải trình thêm. Nếu không làm rõ được cơ sở tăng này nên giữ như mức cũ là 150%. Hơn nữa, tôi rất suy nghĩ là tại sao trong quan hệ dân sự người ta không hề thỏa thuận với nhau về lãi suất; không thỏa thuận về lãi suất thì không phát sinh lãi suất trong việc xem xét và giải quyết, trừ những trường hợp họ có điều kiện khác.”

Thông thường, các trường hợp không thỏa thuận được trong giao dịch dân sự chỉ rơi vào những trường hợp rất đặc biệt như trong quan hệ thân thuộc, trừ những trường hợp bị lệ thuộc, bị ép buộc hoặc có hoàn cảnh trái với mong muốn của người cho vay nên mới cần Luật phải bảo vệ quyền lợi.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền của tỉnh Lâm Đồng cho rằng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản trong cơ chế thị trường thật sự rất khó. Đại biểu dẫn ví dụ: "Chẳng hạn, ông có cơ hội khi mua một lô hàng trị giá 1 tỷ đồng mà có lời cao lên 2 tỷ đồng thì lãi suất bao nhiêu tôi chẳng vay. Như thế không thể bảo tôi có tội vì đây là chuyện bên thỏa thuận của hai bên vì lãi suất liên ngân hàng qua đêm có khi còn cao hơn."

Vì vậy đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cần làm rõ lãi suất cơ bản nâng từ 150% lên 200% trên cơ sở nào.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch của Thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình cả hai phương án trong dự thảo. Đồng thời, đại biểu khẳng định lãi suất là cái giá phải trả cho việc sử dụng đồng vốn và việc sử dụng đồng vốn tùy thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó có độ rủi ro của đồng vốn nên quy định của luật không thể nào chế định được các yếu rủi ro...

Lý giải cho các ý kiến trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến trưởng ban soạn thảo cũng như các Ủy ban của Quốc hội.

Vấn đề là, nếu lãi suất chỉ là trong quan hệ dân sự, không liên quan đến ngân hàng thì sẽ có một phạm vi khác. Nếu lãi suất bao trùm toàn bộ hoạt động của ngân hàng, theo Bộ Luật Dân sự nếu liên quan đến hợp đồng vay tài sản, tức là giao tài sản cho bên cho vay, thì vấn đề lãi suất nằm trong hợp đồng vay tài sản và chủ yếu hướng đến vay mượn tài sản (theo hướng vật chất) chứ không phải vay tiền, từ đó liên quan đến trả nợ và phát sinh vấn đề lãi suất và lãi suất gắn với hợp đồng vay tài sản.

"Tuy nhiên, theo Luật Dân sự trước đây quy định là 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, nay trong dự thảo đề xuất là 200%. Cơ sở như thế nào thì chúng tôi không dám tham gia, tuy nhiên trong trong quá trình thảo luận nhiều lần đã có nêu các mức lãi suất để tham chiếu: một là lãi suất cơ bản, hai là quy định một mức lãi suất cứng. Nếu lấy lãi suất cơ bản thì không khác gì tham chiếu mà Ủy ban Pháp luật đã nêu và đều là những lãi suất không phải là phổ biến. Do đó, chúng tôi đề nghị là không tham chiếu vào một lãi suất nào cả và nên theo phương án 1 (20%) và quy định một mức lãi suất cứng," ông Tiến cho biết.

Phó Thống đốc nêu ví dụ: "Ở phương án 1, ở mức 20%, tôi hiểu là trước đây theo lãi suất cơ bản là 9% thì 150% là 13%, có thể có ý kiến cho là hơi thấp nên nâng lên 200% có nghĩa là 18%/năm và mức này có lẽ là phù hợp. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiến nghị nên quy định cụ thể hơn trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất không quá 20%."

Tuy nhiên, để rõ ràng hơn, ông Tiến kiến nghị nên nói rõ hơn theo hướng là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được quá 20%/năm của khoản vay, trừ lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép theo quy định của pháp luật của ngân hàng.

Nếu quy định như vậy sẽ rõ ràng hơn và các phạm vi áp dụng cho các quy định dân sự theo thỏa thuận. Còn đối với quy định cho vay của tổ chức tín dụng, chỉ các tổ chức tín dụng được cấp phép chịu sự giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước mới được cho vay lãi suất theo thỏa thuận.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.