Việc các sông băng ở Greenland tan chảy do nhiệt độ cao bất thường vào năm 2012 đã gây ảnh hưởng lâu dài đến khả năng hấp thụ và lưu trữ nước trong tương lai. Đây là kết luận đưa ra trong một nghiên cứu về tình trạng tan băng công bố ngày 20/4.
Theo các tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, nghiên cứu này là bằng chứng rõ nét nhất phản ánh tác động lâu dài của các hiện tượng thời tiết bất thường dù chỉ xảy ra một lần đối với các vùng băng của Trái Đất và ảnh hưởng đến mực nước biển toàn thế giới.
Hè năm 2012, phần lớn khu vực Bắc Cực trải qua một đợt nắng nóng hiếm thấy, dẫn đến sự xuất hiện những hồ nước trong xanh ở nơi vốn là bề mặt băng.
Để giải thích tình trạng tan chảy gần bề mặt sông băng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật mô hình tiên tiến cùng với phân tích lại dữ liệu radar được thu thập thông qua các chuyến bay từ Chiến dịch IceBridge của NASA giữa năm 2012-2017.
Trên thực tế, các sông băng chưa trải qua quá trình tan chảy khắc nghiệt có thể lưu trữ nước tan chảy ở tầng nước dày tới 50m và ngăn cho lượng nước này chảy vào đại dương, qua đó hạn chế mực nước biển dâng cao.
[Băng trên Trái Đất đang tan nhanh hơn so với 30 năm trước]
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng băng tan chảy vào năm 2012 đã đóng băng trở lại, nhưng lại trở thành lớp băng trơn trượt có thể tăng tốc độ di chuyển của sông băng và đẩy khối băng này ra đại dương.
Ở một số phần của sông băng ở Greenland, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng lớp băng tan chảy đã giảm dung lượng lưu trữ nước đóng băng xuống chỉ còn 5m.
Như vậy, lượng băng tan chảy từ Greenland không chỉ góp phần khiến mực nước biển dâng, mà nó còn tạo ra sự thay đổi cấu trúc của chính sông băng này.
Sông băng Greenland đã trải qua 5 mùa băng tan chảy kỷ lục kể từ năm 2000. Dữ liệu thu được từ vệ tinh từ năm 2021 cho thấy chỉ trong vài ngày tháng Bảy, có tới 97% bề mặt sông băng tại đây xuất hiện hiện tượng tan chảy.
So với nhiều khu vực khác trên thế giới, tình trạng ấm lên tại các cực của Trái Đất đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Hiện tượng nóng cực đoan tại Bắc Cực sẽ làm gia tăng tình trạng tan chảy băng tại Greenland.
Theo các nhà khoa học, lượng nước đóng băng của sông băng Greenland nếu tan chảy có thể khiến mực nước biển toàn cầu tăng khoảng 6m.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications số ra ngày 20/4./.