Ngày 21/7, Tòa án Tối cao Bangladesh đã ra phán quyết về chế độ hạn ngạch việc làm nhà nước, nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp quốc gia Nam Á này từ nhiều tuần qua sau khi nhiều sinh viên bất bình với chế độ hạn ngạch nói trên. Chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina đã bãi bỏ hệ thống hạn ngạch năm 2018.
Tuy nhiên, tháng trước, một tòa án ra phán quyết khôi phục lại hệ thống này. Điều này đã khiến nhiều sinh viên bất bình, dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, khiến ít nhất 114 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, ngày 21/7, truyền thông địa phương đưa tin, Tòa phúc thẩm của Tòa án Tối cao đã bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới nói trên, theo đó cho phép các sinh viên có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào 93% việc làm nhà nước mà không bị giới hạn bởi chế độ hạn ngạch.
Trước đó cùng ngày, chính quyền Bangladesh gia hạn lệnh giới nghiêm để kiểm soát tình hình. Theo đó, lệnh giới nghiêm ban bố ngày 19/7 được gia hạn đến 15h giờ địa phương (tức 16h giờ Việt Nam) ngày 21/7.
Quyết định này dự kiến tiếp tục có hiệu lực trong "khoảng thời gian chưa xác định" sau khi tạm ngừng 2 giờ để người dân có thời gian chuẩn bị hàng dự trữ.
Quân đội được triển khai tuần tra trên các tuyến phố của thủ đô Dhaka-nơi từng là trung tâm của các cuộc biểu tình.
Biểu tình diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Bangladesh đang ở mức cao, chiếm gần 20% dân số./.
Bangladesh áp đặt lệnh giới nghiêm do tình trạng bất ổn lan rộng khắp nước
Các cuộc đụng độ trong tuần này giữa sinh viên biểu tình và cảnh sát đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 105 người, và đặt ra thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Hasina sau 15 năm cầm quyền.