Bão 12 gây mưa to, sóng lớn trên biển và khu vực ven bờ

Trên khu vực giữa Biển Đông, bão số 12 gây mưa, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua gió cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5-7m.
Bão 12 gây mưa to, sóng lớn trên biển và khu vực ven bờ ảnh 1Ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đưa thúng vào bờ tránh bão. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chiều 9/11, trao đổi với báo chí về diễn biến bão số 12 (tên quốc tế là Etau) và nhận định sớm về cơn bão số 13 (tên quốc tế là Vamco), Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết hiện tại, bão số 12 còn cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định-Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông, bão có khả năng tăng cấp trong tối và đêm 9/11.

Bão số 13 có sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Bão số 12 ảnh hưởng tới Trung Bộ

Các phân tích, dự báo hiện nay của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy bão số 12 có tốc độ trung bình 15-20km/giờ, có khả năng tăng lên cấp 9 trong tối và đêm 9/11.

Từ đêm 9/11 đến sáng 10/11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố Trung Bộ.

Theo Trưởng phòng Phòng dự báo thời tiết Trần Quang Năng, trên khu vực giữa Biển Đông bão số 12 gây mưa, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua gió cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5-7m.

[Khánh Hòa, Phú Yên sơ tán dân, Ninh Thuận cấm tàu thuyền ra khơi]

Từ đêm 9/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi-Ninh Thuận có mưa, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao 4-6m.

Trên đất liền, từ đêm 9/11, các tỉnh từ Bình Định-Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.

Khu vực giữa và Bắc Biển Đông sóng cao 5-7m; ven biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị-Quảng Ngãi sóng cao 2-4m, từ Bình Định-Khánh Hòa sóng cao 4-6m.

Vùng ven biển Trung Bộ đang kỳ triều thấp, nước dâng do bão nhỏ nên ít có khả năng gây ngập úng ở khu vực ven bờ.

Từ đêm 9/11 đến ngày12/11, ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến phía Bắc tỉnh Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có những điểm mưa đặc biệt lớn với lưu lượng trên 500 mm/đợt; Quảng Bình, phía Nam tỉnh Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến với lưu lượng 100-200mm (trong đó mưa lớn ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tập trung từ đêm 9 đến đêm 10/11).

"Từ đêm 9 đến ngày 12/11, trên các sông từ Quảng Bình-Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2-báo động 3, thậm chí trên báo động 3; lũ trên các sông ở Quảng Bình và khu vực nam Tây Nguyên ở mức báo động 1-báo động 2, thậm chí trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên," ông Năng nhấn mạnh.

Bão số 13 đi di chuyển nhanh, đi vào Biển Đông khoảng ngày 12/11

Nhận định sớm về cơn bão số 13, Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết Trần Quang Năng nhận định, chiều 9/11, áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Đông Nam Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Vamco, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo bão Vamco sẽ mạnh lên nhanh trong 36 giờ tới với cường độ có thể đạt cấp 13-14, giật 16.

Bão 12 gây mưa to, sóng lớn trên biển và khu vực ven bờ ảnh 2Ngư dân Phú Yên neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông thành phố Tuy Hòa tránh bão. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Dự báo, cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông trong khoảng ngày 12/11 và trở thành bão số 13 của Việt Nam trong năm 2020. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên Biển Đông và có khả năng đạt cấp 13-14, giật cấp 16.

Dự báo, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng các ngày 14-15/11.

Cảnh báo khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và Tây Nguyên

Ngày 9/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 179/TWPCTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa-Ninh Thuận và các tỉnh khu vực Tây Nguyên; Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 12 và mưa lũ.

Để chủ động ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão, đặc biệt là bão số 13 sắp ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về  phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Công điện số 36/CĐ-TW ngày 8/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung.

Các địa phương ở tuyến biển bằng mọi biện pháp phải thông báo, hướng dẫn cho các tàu, thuyền đang còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm khẩn trương di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kể cả các tàu, thuyền đã neo đậu tại khu vực tránh trú; lưu ý các tàu vận tải biển, tàu vãng lai neo đậu ở các cửa sông đề phòng lũ lớn; chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men trên các đảo và các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, chia cắt; tổ chức bắn pháo hiệu đồng loạt dọc tuyến biển khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào tối ngày 9/11.

Trên đất liền, các bộ, ngành, địa phương cần chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các nhà cao tầng, nhất là tại các nhà kính dễ xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ; thông tin đầy đủ, kịp thời cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế về diễn biến của bão bằng cả 2 ngôn ngữ Việt-Anh để chủ động phòng, tránh, hạn chế để du khách di chuyển hoặc ra đường khi không cần thiết trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo, huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; có phương án đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm, nhất là đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi, tập trung tại khác khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt; tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kiểm tra việc cung cấp thông tin tới chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; cần chủ động điều tiết để đón lũ đối với các hồ đã đầy nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tổ chức lực lượng thường trực đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, chủ động cắt điện khi bão đổ bộ đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra rủi ro; kịp thời khắc phục sự cố trong mưa bão để sẵn sàng cấp điện trở lại nhằm phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Các đơn vị nêu trên cần khẩn trương khắc phục hậu quả tại các khu vực đã bị thiệt hại trong các đợt thiên tai trước đây; rà soát, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của các đợt thiên tai tiếp theo; đảm bảo vệ sinh, môi trường và các điều kiện sinh hoạt cho người dân tại các khu vực sơ tán tập trung, tránh xảy ra dịch bệnh; sẵn sàng kích hoạt hệ thống tin nhắn đến các thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để chủ động phòng tránh; tăng cường thời lượng phát tin, truyền thông, phổ biến, hướng dẫn cho người dân kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục